Trang

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

VietNam : Triết lý Giáo dục

Vietnam: Triết lý Giáo dục.

Nhìn lại cái Dạy và cái Học của chúng ta từ ngàn năm (sở dĩ chỉ ngàn năm trở lại, vì trước đó cái Lịch sử nó tù mù đến nỗi...chúng ta ko biết cha ông ta học cái gì nữa, he e...) trở lại đây và cho đến cả Hôm nay, chúng ta thấy cái gì là chung nhất, đăc sắc nhất?
Trong ngàn năm ấy, Vietnam sống trong những chế độ chuyên chế nối tiếp nhau, chỉ có cái tên là thay đổi: Lý, Trần, Lê, Nguyễn  ...mà bản chất chỉ  là một: chuyên chế và chiếm đoạt.
Tất cả mọi của cải trong nước và bản thân mạng sống mỗi thần dân thuộc về chỉ một thằng người: Vua.
Để duy trị thể chế đó, Vua cần hai thứ:
- cơ cấu quyền lực và 
- nhân lực cho cơ cấu đó.
Cơ sở cho tư tưởng (Ideology) thích hợp nhất cho việc dạy dỗ, mê hoặc nhân dân về tính chính thống , thậm chí là tính mặc định cho một thể chế như vậy ko gì tốt hơn là cái Học thuyết làm Nô lệ mà các bạn gọi là Khổng-Nho.
Về phía người dân? Cách duy nhất để "sống tốt" là học nó - không phải để hiểu biết - mà để có cơ hội tham gia vào cái cơ cấu quyền lực của Vua.
Khổng-Nho và chỉ có Khổng-Nho, học ko phải để cho hiểu biết mà học để thi đỗ - đó là  làchỗ gặp nhau của kẻ cai trị  và những kẻ bị trị.
Cả hai bên đều hết sức hài lòng về chỗ gặp nhau này.
Sự hài lòng đó kéo dài ...một ngàn năm.
Và đó cũng chính là cái Triết lý Giáo dục của Vietnam suốt ngàn năm qua.
Thể chế nào thì sinh ra Giáo dục nấy, một thể chế nô dịch - dĩ nhiên - cần có một nền Giáo dục nô dịch. 
Nhưng khi người Pháp sang, họ cũng nô dịch...?
Cũng như Vua Vietnam trước đó, France cũng cần hai thứ:
- cơ cấu quyền lực và 
- nhân lực cho cơ cấu đó.
Nhưng họ lại không thể cai trị Vietnam và duy trì tính chính thống của nền cai trị đó bằng văn hóa, ngôn ngữ và "học thuyết" của ...Rợ đc.
Đó là cái may cực lớn cho chúng ta.
Hôm nay?
Hơi ...khác tí.
Cách kiềm tiền, hay như trên - cách để có thể "sống tốt" - là ...làm công bộc của Nhân Dân. Mà để đc làm công bộc của Nhân dân, cái quan trọng nhất ko phải là hiểu biết hay tri thức, cái quan trọng là bằng cấp.
Nói cách khác: là bạn thi có đỗ ko.
Có duy nhất một điểm khác:  Ngày xưa, quyền lực tập trung vào Vua, nên thằng cha đó ko cần bọn bằng rởm.
Nay quyền lực có phân tán hơn, thành các "nhóm công bộc", nên bằng rởm bằng giả đều OK.
Và đó lại là một chỗ gặp nhau, không phải của kẻ cai trị  và những kẻ bị trị, mà là của những ông chủ và công bộc của họ.
Chỗ gặp nhau đó, lại cũng như xưa, thành cái Triết lý Giáo dục cho Hôm nay.

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Nàng tiên cá

Các cư dân của vùng biển Ðông nước Nga vừa phát hiện một xác chết của... nàng tiên cá! Câu chuyện thần thoại về nàng tiên tóc vàng có giọng ca trong như pha lê cuối cùng đã được hé mở.
Những dân chài đã thực sự ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh một xác người có đuôi giống cá chết, trôi dạt vào bãi biển.

Các nhà khoa học ngay lập tức đã được mời đến khám nghiệm. Hiện tổ chức sinh vật lạ đại dương của Nga vẫn chưa có câu trả lời chính xác về nàng tiên cá này.

Dưới đây là một số bức ảnh về nàng tiên cá bí ẩn.

 Nguồn : internet

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

NGHIÊNG MÌNH !!!


Suy ngẫm nhân ngày quốc tang Đại tướng
Nguyễn Trọng Bình

“Một người mà sự ra đi sẽ buộc người Việt Nam phải suy ngẫm về quá khứ đổ vỡ của mình và hướng đến một tương lai chung”. Tác giả Jonathan London  trong bài viết Những ý nghĩa của việc tướng Giáp qua đời đăng trên blog cá nhân của ông đã kết luận như vậy về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cá nhân tôi thấy câu kết này hay và có ý nghĩa, tác động mạnh với tôi. Vì thế, tôi đã mạo muội... “suy ngẫm” ra 3 vấn đề nhân ngày quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới đây.
1. “Trái”, “phải” – đâu cũng là máu mủ Việt Nam, vậy mà...
Nếu ai đó bình tâm dạo 1 vòng các trang báo mạng cả "trái" lẫn "phải" suốt từ hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đến nay, bỏ qua một vài ý kiến có phần “cực đoan” không đáng chấp, có thể thấy phần lớn người dân Việt Nam khắp nơi trên thế giới đều dành những tình cảm đặc biệt pha lẫn niềm tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt có những trang mạng lâu nay bị xem là "lề trái" (như trang Bauxite, quechoa...), hay những tác giả viết bài cho các trang này bị quy là thành phần "chống đối" thậm chí "phản động" này nọ nhưng tình cảm của họ dành cho Đại tướng lại rất chân thành, xúc động, sâu sắc và có khi lại nhân văn hơn nhiều so với những trang, những tác giả ở báo "lề phải" nữa! Tại sao như vậy? Tôi tự đặt ra câu hỏi này cho riêng mình và tạm thời tự bằng lòng với lời giải đáp rằng: “Trái”, “phải” – đâu cũng là máu mủ Việt Nam ta cả. Vấn đề là lâu nay phải chăng chính cách nghĩ phải “luôn nâng cao tinh thần cảnh giác” trước những “âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch” từ “những người có trách nhiệm cao nhất” của đất nước không ít thì nhiều đã nhẫn tâm chối bỏ những tình cảm chân thành thiêng liêng; những cảm xúc thiết tha; những mong mỏi chính đáng của rất nhiều người Việt Nam (có thể quan điểm của những người này có sự “khác biệt” với quan điểm “chính thống” nhưng lúc nào họ cũng dành tất cả tâm huyết cũng như sự hi vọng trong tương lai đất nước và dân tộc Việt Nam sẽ ngày một tươi sáng hơn). Phải chăng chính sự “cảnh giác cao độ” này đã đưa đến một thái độ, một con mắt hoài nghi “nhìn đâu cũng thấy địch” từ đó vô tình đánh mất đi cơ hội hòa hợp, hòa giải dân tộc; đánh mất đi cơ hội “tập hợp hiền tài”, vô tình làm vơi dần “nguyên khí quốc gia” trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước suốt mấy mươi năm qua? Nếu đúng như thế thì “những người có trách nhiệm cao nhất” của đất nước có nên nhân sự việc này mà bình tâm và dũng cảm nhìn lại không? Những suy nghĩ và những phát ngôn ít nhiều mang tính “suy diễn”, “quy chụp” nhiều khi rất nặng nề đối với những nhân sĩ, trí thức có suy nghĩ “trái chiều”, “khác biệt” với mình phải chăng rất cần được suy xét lại, cần được nhìn nhận lại một cách nhân văn, nhân ái hơn? Thiết nghĩ, nếu thực lòng vì dân, vì nước; nếu muốn được nhân dân tôn kính và “phong Thánh” như trường hợp của Đại tướng hiện giờ, những lãnh đạo cao nhất của đất nước nên nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này.
2.  Thói háo danh hay là sự bất lương của những kẻ “té nước theo mưa”
Như cách nói thực tâm của một số người, sự ra đi của Đại tướng hóa ra lại là một “món quà vô giá” cho cả dân tộc trong lúc này nhất là đối với những lãnh đạo đang và sẽ nắm vận mệnh tương lai của đất nước. Vì đây là chính “cơ hội” để họ nhìn lại bản thân trong quá trình điều hành đất nước (rất xin lỗi vong linh và gia đình Đại tướng nếu phải nói sự ra đi của ông là “cơ hội” cho kẻ khác thì có gì đó cũng hơi bất nhẫn). Bởi lẽ, ai rồi cũng sẽ tới ngày trở về cát bụi giống như Đại tướng thôi. Vấn đề là khi ngày ấy xảy đến, liệu trong nhân dân có mấy người đến nhỏ cho vài giọt nước mắt tiễn đưa? Từ những lý do ấy, nên việc nhắc lại công lao, dành sự khen ngợi cho Đại tướng với ý nghĩa như là một bài học nhằm giáo dục ý thức cho lớp trẻ trong những ngày này là vô cùng chính đáng và cần thiết.
Tuy nhiên, tiếc thay, những ngày qua có vẻ như có quá nhiều những lời khen ngợi dành cho Đại tướng được tuôn ra theo kiểu “té nước theo mưa”, kiểu tâm lý đám đông và tâm lý bầy đàn... thật đáng xấu hỗ. Không khó để chúng ta phát hiện ra những bài viết kể lại “những kỷ niệm gặp gỡ”, kể lại cái“vinh dự được bắt tay” Đại tướng hay những “vần thơ... đưa đám” rất hời hợt, giả tạo, sống sượng, thậm chí xu nịnh nhưng cố làm ra vẻ chân thành của một số người... Ở góc nhìn văn hóa, đây là một trong những biểu hiện của thói háo danh của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam ta hiện nay đặc biệt là những người đã “nổi tiếng” rồi nhưng lại muốn “nổi tiếng” nữa (có vẻ như những người này sợ nếu tên tuổi họ một hai ngày mà không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thì công chúng sẽ quên họ chăng?). Không dừng lại ở đó, những kẻ tận dụng tối đa phương tiện truyền thông để khai thác những thông tin vụn vặt về đời tư và gia đình Đại tướng, hay những thông tin bên lề tang lễ ông để đổi lấy vài đồng nhuận bút thì thật lòng phải nói đây là hành vi của những kẻ bất lương chứ chẳng phải hành vi thể hiện sự tôn kính gì cả.
Tóm lại, mọi trường hợp “ăn theo” như thế này, từ góc nhìn văn hóa mà nói, đều không có giá trị trong việc hướng thiện con người; hoàn toàn không có lợi cho việc giáo dục người trẻ giúp họ định hình nhân cách về sau (nếu như những “người lớn” thực sự muốn như thế).
3. Nhìn cách ứng xử của người Pháp đối với Đại tướng và nhìn lại văn hóa ứng xử của dân tộc mình
Tối ngày 9/10/2013, bản tin thời sự lúc 19 giờ của đài truyền hình Việt Nam đưa tin có một bộ phận nhân dân Pháp (nhà báo, nhân sĩ, trí thức...) đã tổ chức lễ tưởng niệm Đại tướng ngay trên chính quê hương họ. Điều này làm cho bản thân anh phóng viên thường trú tại Pháp vô cùng bất ngờ để rồi thốt lên rằng “không hiểu sao lại có chuyện như thế”? Bởi chính người Pháp trước đây từng bị Đại tướng đánh một trận... te tua nhưng giờ đây chính họ chứ không ai khác không những không hận thù mà còn dành cho Đại tướng sự kính phục và trân trọng nhất.
Xem xong bản tin ngắn ngủi ấy lại một câu hỏi nữa tự đặt ra: ở góc độ ngoại giao, một quốc gia, một dân tộc từng có những mối “thâm thù” với mình nhưng giờ đây chính họ lại bày tỏ sự khâm phục và kính trọng dân tộc mình (thông qua con người Đại tướng) còn mình, mình đã nhìn và nghĩ về họ như thế nào, mình ứng xử với họ ra sao? Trên phương diện quan hệ quốc tế và danh dự quốc gia đây rõ ràng là vấn đề lớn cần phải nghiêm túc nhìn nhận.
Nghĩ đến đây bỗng nhớ lại mấy năm về trước - cái hồi phát hiện ra Nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm do hai người (một Việt, một Mỹ)  thuộc phía “bên kia chiến tuyến” gìn giữ suốt một thời gian dài và trao lại. Lúc ấy cũng rùm beng “niềm tự hào dân tộc” suốt 1 thời gian dài. Tuy vậy, không biết có “ai đó” tự hỏi rằng: “những người bên kia chiến tuyến” từng một thời “không đợi trời chung” đã gìn giữ cho “bên mình” 1 kỷ vật quý vậy “bên mình” có ai từng giữ và trao lại cho “bên họ” kỷ vật nào không? (nếu có sao không nghe ai nhắc gì). Hay là “những người bên kia chiến tuyến” vốn “vô cảm” và “tàn ác” lắm nên họ đâu có kỷ vật gì đáng để cho mình cất giữ giùm?
Một vấn đề nữa, công bằng mà nói nếu so với người “bạn láng giềng” Trung Quốc (1000 năm đô hộ trước đó, năm 1979 xua quân tấn công sau này) thì tội ác của người Pháp và sau này là người Mỹ (dĩ nhiên cũng cần nhấn mạnh chỉ một bộ phận người Pháp và người Mỹ thôi chứ không phải tất cả) đối với với dân ta chẳng thấm tháp gì. Vậy mà thời gian qua, không hiểu sao trong tư duy của “nhiều người” và qua sách vở (nhất là sách sử) lúc nào cũng tuyên truyền cho cháu con là phải “căm thù” và "nâng cao cảnh giác" đối với người Pháp, người Mỹ; trong khi đó với 1 kẻ mà lúc nào cũng nuôi ý định nuốt chửng ta thì lại là "láng giềng hữu nghị" là "anh em tốt"; sử sách nước nhà rất hiếm khi kể ra sự tàn bạo và dã man của họ? Nói điều này, thật lòng không phải nhằm gây chia rẽ với “người láng giềng” trong thời điểm hiện tại nhưng rõ ràng, cách tư duy này của “không ít người” là rất “không rõ ràng”, còn nhiều “lấn cấn”; nhất định phải “điều chỉnh” lại nhằm trả lại sự công bằng cho lịch sử, trả lại sự công bằng cho các thế hệ cha ông đã nằm xuống vì sự tàn bạo của “người hàng xóm” một thời. Đồng thời cũng là thể hiện một thái độ văn hóa, văn minh trong ứng xử của một dân tộc nếu muốn giao lưu, hợp tác với bạn bè thế giới.
Nghiêm túc mà nói, liên quan đến vấn đề này, không khó để ghi ra đây những lời răn dạy vốn là di sản văn hóa truyền thống của cha ông như: “Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng”; “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”; “thêm một người bạn còn hơn thêm một kẻ thù”, “chín bỏ làm mười”.... Đây rõ ràng là những bằng chứng sống động cho thấy văn hóa ứng xử của dân tộc Việt vốn không phải là tệ. Vấn đề là, có lẽ do trong hoàn cảnh đất nước có quá nhiều chuyện phải “quyết giữ” mà “nhiều người” lại không biết cân nhắc, không nhận ra cái gì là tài sản quý giá của dân tộc mình, của đất nước mình để mà giữ. Nên lẽ ra, cái nền tảng văn hóa – cái làm nên bộ mặt tinh thần của dân tộc phải cố mà gìn giữ và phát huy (như những lời răn dạy này của cha ông) thì họ lại... quên (hay cố tình quên) đi? Vậy nên, hi vọng là qua chuyện người Pháp tổ chức lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (vốn là đối thủ của họ trong cuộc chiến một mất một còn) lần này, mỗi người Việt Nam sẽ tự nhìn lại văn hóa ứng xử của bản thân hay rộng hơn là của dân tộc mình.
Trong ý nghĩa này, một lần nữa, có lẽ mỗi người Việt Nam lại phải nghiêng mình trước anh linh viên dũng tướng Võ Nguyên Giáp - một người vĩ đại đến cái chết cũng có ý nghĩa vĩ đại.
Cần Thơ, 10/10/2013 

   Nguồn : viet-studies.info

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Vi Thùy Linh từng nói : độc giả tàn nhẫn với thơ!

Quảng cáo tập thơ Chấm của NGUYỄN NGỌC TƯ

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được xem như một hiện tượng văn chương Việt Nam thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Hầu hết tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư như “Ngọn đèn không tắt”, “Cánh đồng bất tận”, “Gió lẻ” hay “Khói trời lộng lẫy” đều bán rất chạy. Đùng một cái, Nguyễn Ngọc Tư chuyển sang làm… thơ. Ngỡ chỉ cảm hứng bất chợt, ai dè Nguyễn Ngọc Tư in tập thơ “Chấm”. Thời buổi này, thơ cực kỳ khó bán, nếu không muốn nói là không thể bán. Thơ in 500 bản có khi ba năm sau còn tặng chưa hết. Vậy mà “Chấm” in hai ngàn bản, giá bìa 70 ngàn đồng. Phen này, nếu “Chấm” bán hết thì…không khéo lại có biến động lớn. Theo nhà văn Đỗ Bích Thúy bình luận: “Chấm” ăn khách, khối nhà văn sẽ lên cơn sốt thi ca, và ai cũng làm thơ thì Hội Nhà văn VN sẽ không có tác phẩm để… trao giải thưởng văn xuôi hàng năm!



Trong tập thơ “Chấm” có nhiều câu thơ thú vị như “Bóng người thì tối. Gió nổi từ lời. Lòng dạ trùng khơi. Khóc cười mặt nạ”. Thế nhưng, để kích cầu, Nguyễn Ngọc Tư tự viết… quảng cáo như sau:

Bạn là người yêu thơ ? Cưới ngay “Chấm” kẽo lỡ
Bạn là người ghét thơ ? Mang “Chấm” về, món này quá hợp để sắc mặn thêm lòng căm thù thơ của bạn, khẳng định lần nữa ta không thể đội trời chung với đồ quỷ thơ ca này.
Bạn là người nhân ái ? Hãy mua “Chấm”. Bạn mang anh em nó về hết rồi, lẽ nào để thân gái nhỏ bơ vơ một mình giữa chợ
Bạn người vui tính, hay gây sốc ? Hãy mua “Chấm”. Mọi người sẽ hết hồn té ngửa sau đó cười sằng sặc khi nghe bạn bảo ê tao vừa mua một tập thơ nè bây. Quá sốc !
Bạn là người thích nổi bật ? “Chấm” rất hợp với bạn. Không cần khoe ngực trần hay đứng bên chiếc xe hơi chục tỷ, hay nhuộm tóc bảy màu, xăm 7 chỗ… việc cầm tập thơ trên tay bạn vẫn khiến thiên hạ phải ngoái nhìn đến nỗi va đầu vào cột điện. Họ nghĩ cô ấy (hoặc anh ấy) thật khác thường. Chỉ 70.000 (hoặc 63.000, nếu mua qua mạng) mà chói lóa giữa đám đông, còn chần chờ gì nữa…
Bạn là người tò mò? Mua “Chấm” lẹ lẹ. Trong thơ biết đâu cũng lộ hàng, “anh” trong thơ là ai? Là thằng nào, thằng nào, thằng nào, thằng nào?
Bạn là người thích sưu tập sách? Cần có “Chấm”. Biết đâu sau này cô Tư sẽ dành được giải No Bơ (Giải thưởng của hiệp hội những người trồng bơ Đà Lạt), và mối mọt trong nhà làm sao sống nổi nếu thiếu quyển này để gặm
Bạn là người bận rộn? “Chấm” rất hợp với bạn. Tổng cộng chỉ 4928 chữ (không tính phần thông tin xuất bản và lưu chiểu)
Bạn là người nhàn rỗi? Hãy mua “Chấm”. Bạn sẽ được suy tư kiểu như “đã thông thuộc tận cùng nhau” là tận cùng cái gì? Tức là cái gì có thể thò đến tận cùng ? Còn đây, “Thêm que củi đặt vào bếp nguội”, ái chà, chuyện nam nữ tằng tịu sao lại có chuyện củi đút lò ở đây ? Ái chà, ái chà chà
Và, bạn là người theo chủ nghĩa “đẹp nhất mối tình đầu”, đây, mối tình đầu của tôi đang chờ bạn rút ví ra chào đón vẻ đẹp của em ấy.

Cuối cùng, bạn không thuộc về nhóm người có tính cách nào trên đây ? Hãy cứ đón “Chấm” về nhà. Bên xuất bản huề vốn thì chục năm nữa con em chúng ta mới còn cơ hội nhìn thấy một vài quyển thơ bày bán trong nhà sách (mong muốn này mới tột bậc làm sao!) 

   Nguồn : LÊ THIẾU NHƠN

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Chẳng nên nghi ngờ



          Adam & Eva là người nước nào ?

Một người Pháp, một người Mỹ và một người Việt Nam tranh luận xem Adam & Eva là người nước nào.
   Người Pháp nói :
" Chúng nó trần truồng và trụy lạc ngay trước mặt thượng đế, lãng mạn như thế, chỉ có thể là dân Pháp"
   Người Mỹ nói :
" Tự do luyến ái đến mức lẽ ra có thể sống hạnh phúc, chỉ cần đừng đụng đến điều cấm, nhưng với khát vọng tự do cá nhân họ vẫn không chịu sự cấm đoán đó, thì chỉ có thể là dân Mỹ"
   Cuối cùng, người Việt Nam nói :
" Không áo, không quần, nhà cửa chẳng có, thậm chí đến ăn một trái táo mà cũng bị cấm, thế mà vẫn luôn miệng bảo là đang sống trên thiên đường, thì chắc chắn là dân ...Việt Nam"

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Tại sao???

Nguyễn Quang Anh trở thành quán quân Giọng hát Việt nhí 2013



 Một blogger là nhà báo (mình có quen ngoài đời) phản ứng sau đêm chung kết The Voice Kids 2013 :

"Nhí... nhố

Chung kết Giọng hát Việt nhí 2013 - The Voice Kids. Quang Anh quằn quại "nỗi oan trời cao, nỗi oan biển sâu, nỗi oan tiền kiếp, em có tội gì đâu...", Phương Mỹ Chi não nề "ngoài kia nước lớn con đò buồn biết trôi về đâu...". Ừ, các cháu có tội gì đâu, mà phải thở than con đò buồn biết trôi về đâu. Tại sao có thể tán thưởng cái chương trình này nhỉ?"

 Mình thì khác, cứ mãi thắc mắc sao 4 HLV chả có vị nào chọn được cho các em một bài hát theo chủ đề đang hot nhứt hiện nay - tỷ như bài " Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ"
 Chắc phải gọi điện "tranh luận" với ông bạn nhà báo này rồi.
 He he !!!

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Show hàng

Tốt nghiệp Đại học Yale (Mỹ), từng làm việc cho một số định chế tài chính lớn tại đây nhưng cuối cùng Việt kiều Phan Kim Đôn lại quyết định quay về đảm nhận vai trò Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Rocket Internet (Đức) tại Việt Nam.


Rocket Internet chính là đại gia thương mại điện tử đã bành trướng sang hơn 50 quốc gia, thành lập không dưới 100 doanh nghiệp ăn nên làm ra và tạo được 20.000 việc làm trên khắp thế giới. Cách làm của họ là tạo ra bản sao của những mô hình thương mại điện tử thành công của Mỹ đem áp dụng ở các thị trường khác. Sau đó họ bán cho nhà đầu tư khác hoặc cho chính những người chủ của mô hình mà mình đã sao chép.
Được sáng lập bởi 3 anh em người Đức là Marc, Oliver và Alexander Samwer vào năm 2007, nhưng thực sự Rocket Internet đã khởi động từ năm 1999 bằng việc sao chép mô hình của website đấu giá nổi tiếng eBay (Mỹ) đem về thị trường Đức dưới cái tên Alando. Bốn tháng sau đó, eBay quyết định bỏ ra 53 triệu USD để mua lại Alando. Một bản sao thành công khác của họ tại châu Âu là CityDeals, nhái mô hình mua theo nhóm Groupon (Mỹ) và đã được chủ nhân mua lại với cái giá gần 2 tỉ USD. Tại Việt Nam, Rocket Internet đang vận hành 3 mô hình thương mại điện tử là Lazada, Zalora và FoodPanda
Lazada là một bản sao được địa phương hóa của website bán hàng trực tuyến Amazon (Mỹ) và đã trở nên quen thuộc ở Trung Đông và Đông Nam Á. Trong khi đó, Zalora chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang và bắt chước mô hình của nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Zappos (Mỹ). Hiện Zalora đã có mặt tại Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Việt Nam. Còn FoodPanda là một dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ăn theo những mô hình tương tự đã thành công ở Mỹ và châu Âu.
Lý giải cho quyết định quay về Việt Nam cùng với Rocket Internet, Đôn cho biết điều kiện hiện tại của Việt Nam là khá lý tưởng để các công ty công nghệ nhảy vào khai thác lĩnh vực thương mại điện tử. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đứng thứ hai ở châu Á chỉ sau Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng mạng cũng được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây và là nhân tố chính cho sự bùng nổ về lượng người tham gia thế giới trực tuyến.
Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, số lượng người Việt dùng internet đến năm ngoái đã lên đến hơn 30 triệu (tương đương 34% dân số), đứng thứ sáu ở châu Á và vượt qua cả Thái Lan hay Malaysia.

Kẻ đến sau nhiều tham vọng
Một khảo sát của Bộ Thương mại trên 3.400 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực cho thấy 60% trong số đó đã áp dụng hình thức giao dịch bằng thương mại điện tử. Nguồn thu từ thương mại điện tử của Việt Nam hiện đạt gần 2 tỉ USD, tương đương 2,5% GDP và được dự báo tăng lên 6 tỉ USD vào năm 2015.
Tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam lẽ ra phải cao hơn nếu không gặp phải nhiều rào cản, trong đó phải kể đến môi trường kinh doanh kém tin cậy. “Khách hàng tỏ ra không mấy tin tưởng khi mua hàng trên mạng. Họ cảm thấy không được bảo vệ quyền lợi”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết. Hiện nay, việc thanh toán đã trở nên dễ dàng hơn nhờ sự hợp tác giữa các website với ngân hàng, nhưng việc thanh toán trực tuyến vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mua bán điện tử ở Việt Nam.
Dù gặp phải những rào cản, các công ty nước ngoài vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội tiềm tàng tại đây. Đơn cử là Google, eBay, Amazon (đều của Mỹ), Alibaba (Trung Quốc) hay Rakuten (Nhật) đang dần hiện diện ở Việt Nam. Tháng 6 năm ngoái, Google đã tham gia vào Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam. Với mục tiêu nhắm đến khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Google hy vọng sẽ thu về 30 triệu USD mỗi năm từ Việt Nam. Alibaba và eBay cũng mới lựa chọn các nhà đại diện chính thức tại Việt Nam. Alibaba chọn Công ty Investment & Technology JSC làm đại diện. Còn Amazon và Rakuten thì đang tiếp cận thị trường để tìm cơ hội. Trong bối cảnh đó, Rocket Internet cũng không đứng ngoài cuộc.

Ngay từ khi quyết định đầu tư và triển khai tại Việt Nam vào cuối năm 2011, Rocket Internet đã lần lượt cho ra đời một loạt sản phẩm gồm Lazada, Zalora và FoodPanda. Chỉ hơn 1 năm sau, Lazada và Zalora đã hút được hơn 100 triệu USD từ hàng loạt quỹ đầu tư như Holtzbrinck Ventures, AB Kinnevik, Summit Partners, Tengelmann Group hay Verlinvest; còn FoodPanda mới đây cũng nhận được 20 triệu USD từ 2 nhà đầu tư Đức và Thụy Điển. Điều này chứng tỏ khả năng kiếm lời, nhìn từ phía các nhà đầu tư là rất khả quan.
Tuy được hậu thuẫn tài chính mạnh, nhưng không dễ để Rocket đạt mục tiêu đưa sản phẩm của họ trở thành những mô hình thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam hiện đã được thống trị bởi những tên tuổi như VatGia.com, 5Giay.vn, ChoDienTu.com, RongBay.com hay Solo.vn... Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin Việt Nam, những mô hình thương mại điện tử nói trên đã chiếm đến 97% tổng giá trị giao dịch trong năm 2012. Cụ thể, ChoDienTu.com chiếm 23% thị trường; Solo.vn, 17%.

Rocket Internet hiện phải đối mặt với những đối thủ nội ở 3 mảng kinh doanh trực tuyến họ chọn. Đáng gờm nhất phải kể đến ChoDienTu.com, hiện chiếm gần 1/4 thị trường giao dịch trực tuyến và là đối thủ chính của Lazada. Cách đây không lâu, eBay đã mua 20% cổ phần tại PeaceSoft, công ty sở hữu ChoDienTu.com, qua đó tăng thêm đáng kể sức mạnh cho họ. Zalora tuy là một trong những mô hình bán lẻ thời trang trực tuyến xuất hiện khá sớm, nhưng đang gặp phải sự cạnh tranh từ Sendo.vn (thuộc Tập đoàn FPT), LamDieu.com (được Quỹ Đầu tư IDG bảo trợ) cùng với Chon.vn, một mô hình được đầu tư bởi Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Mô hình tương tự như Zalora, tuy nhiên Chon.vn chỉ ký hợp đồng với các công ty có đăng ký kinh doanh sản xuất, nguồn hàng xuất xứ rõ ràng, có chọn lọc để phù hợp với định vị cũng như tên gọi của họ. Nhờ mối quan hệ sẵn có, một lượng đáng kể hàng của Chon.vn là chính hãng từ rất nhiều công ty thời trang và các nhà thiết kế lớn trong nước và quốc tế như Việt Tiến, May Phương Đông, Minh Hạnh, Kiều Việt Liên...
Thêm nữa, Chon.vn không phải đầu tư quá nhiều vào kho bãi như Zalora nhờ vận hành theo kiểu cho nhân viên đến lấy sản phẩm từ nhà cung cấp rồi giao cho khách mỗi khi có đơn hàng, qua đó giảm chi phí.
Hiện đang quản lý FoodPanda, dự án mới nhất của Rocket Internet tại Việt Nam, Phan Kim Đôn cho rằng tuy vào thị trường trễ hơn đối thủ nhưng với thế mạnh sẵn có về thương hiệu cũng như khả năng vận hành, FoodPanda sẽ sớm chứng tỏ được vị thế. Đối thủ lớn nhất của họ chính là ChonMon.vn của VCCorp, đơn vị vừa được rót khoản đầu tư vài triệu USD từ Quỹ Intel Capital (thuộc Tập đoàn Intel). Để cạnh tranh khi mới bắt đầu, FoodPanda đã chi mạnh cho quảng cáo trực tuyến. Hiện đã giảm nhưng họ vẫn duy trì ngân sách hoạt động này ở mức gần 200 triệu đồng/tuần.
Dội bom quảng cáo trực tuyến cũng được Rocket Internet áp dụng cho Lazada và Zalora để cạnh tranh với các đối thủ Việt. Theo trang tin khởi nghiệp Action.vn, 10.000 USD là chi phí marketing trung bình 1 ngày mà Rocket Internet phải trả cho 2 mô hình thương mại điện tử nói trên. Còn theo một nguồn tin khác thì chi phí này là 10.000 USD/tuần.
Đôi khi tiền không phải là tất cả. Sinh trưởng và lớn lên ở Mỹ, ấn tượng đầu tiên sau khi về nước của Việt kiều họ Phan là khâu chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp nội địa quá kém. Theo anh, hoạt động marketing trong đó bao gồm dịch vụ khách hàng chính là chìa khóa để một mô hình thương mại điện tử có thể thành công.


Còn đây là cu con Việt kiều Phan Kim Đôn, hình được chụp vào ngày từ giã đời trai 8/6/2013 :








 Post lại một bài mình từng viết về nó trên blog yahoo hơn 3 năm về trước với hy vọng mong manh nó sẽ lọt vào mắt của lão già Alan Phan.
                                                                  HỌC NÓI.
 Mấy cô nương Hà thành hỏi chuyện chàng thanh niên da vàng tóc đen - nhân viên trong đoàn công tác của một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ về làm việc tại Hà Nội cách đây 2 năm :
     - Anh là người nước nào? ( hỏi bằng tiếng Anh )
     - Dạ, con là người Việt Nam !
   Sau chút bất ngờ khi được nghe câu trả lời bằng tiếng Việt, mấy nường Hà thành ôm bụng cười ngặt nghẽo. Khi được giải thích việc sử dụng đại từ nhân xưng không đúng làm người đối thoại mắc cười, chàng thanh niên nọ chỉ còn biết vò đầu bứt tai.
   Chàng thanh niên da vàng tóc đen nói trên mang quốc tịch Hoa Kỳ nhưng có 100% máu của người An Nam. Học vấn cao : tốt nghiệp ĐH Yale (Mẽo), lấy thạc sĩ tại NUS ( Đại học quốc gia Singapore). Chưa muốn đi làm, chàng săn được học bổng Fulbright về Việt Nam 1 năm để chơi và học thêm tiếng mẹ đẻ. Ở Sài Gòn vài tháng, không thích cách dạy tiếng Việt tại ĐH KHXH & NV TP HCM, chàng về Tuy Hòa - quê ngoại - tầm sư học chữ. Ông cậu ruột của nó là mình đây, trở thành người thầy bất đắc dĩ. Trình độ tiếng Anh của ông thầy cũng ngang ngửa với vốn tiếng Việt của ông trò nên việc xài thêm ngôn ngữ tay quơ là điều cả hai phải vui vẻ chấp nhận. Cũng may việc dạy và học cũng đi đến chữ hai tốt !
   Thọ giáo chưa được bao lâu, nó tương ông thầy một phát :
     - Người Việt Nam mình thông minh, giỏi giang sao cứ mãi nghèo ?
   Để trả lời tường minh cho câu hỏi quá dễ đó, chắc ông thầy phải di cư qua Mẽo ! Nhưng thôi, đó là cả một câu chuyện dài. Điều làm mình lưu tâm là nó nói được mấy tiếng đã gạch chân ở trên ! Và đó là khởi đầu cho việc học nói của nó sau đây :
   Hôm cuối năm dương lịch, nó làm cả nhà náo loạn vì tội lơ đễnh đánh rơi cái bóp trên đường. Không thể về Mỹ chơi Noel và thăm mẹ vì mất hết giấy tờ, cu cậu tự gõ vào đầu và lẩm bẩm "con ngu quá, ngu quá!". Chỉ biết an ủi nó bằng hi vọng sẽ có người tốt bụng nhặt được. Quả nhiên sáng hôm sau, từ cái danh thiếp trong bóp, một cuốc điện thoại hẹn nơi trả lại. Mình thân chinh lo việc này. Khi đưa lại cái bóp còn đầy đủ giấy tờ, cu cậu không giấu nỗi mừng rỡ nhưng lại hỏi :
     - Sao họ trả lại giấy tờ còn tiền của con trong đó thì không ?
   Câu hỏi cũng không quá khó nên mình trả lời theo kiểu cho xong việc :
     - Cậu nghĩ chắc vì họ nghèo chứ không phải họ xấu !
   (Đương nhiên mình dấu nó việc phải trả thêm cho người nhặt bóp vài trăm nghìn tiền điện thoại.)
   Nó im lặng không nói gì.
   Sau tết âm lịch, cu cậu cùng 3 người bạn Mỹ đang làm việc tại Tuy Hòa tổ chức một chuyến picnic thăm các danh thắng ở Phú Yên. Đêm đầu ngủ trên núi Đá Bia, đêm sau ngủ ở biển Mũi Điện (Vũng Rô). Sáng hôm sau trở về nhà trong bộ dạng thê thảm : đầu trần, chân chó. Hoảng hồn, hỏi han, nó bảo tụi con bị ăn cắp mất hết . Ám ảnh vì chuyện cái bóp thì cu cậu khoe :"con ngủ chung với cái bóp, nên còn!"
    Họ lấy của tụi nó tất cả những gì có thể : giày vớ, mũ nón, điện thoại…và để lại những cái bóp còn đủ giấy tờ cách nơi tụi nó ngủ vài chục mét.
    Ngồi nhìn nó ăn ngấu nghiến đĩa cơm làm vội, mình im lặng không biết nói gì. Thì nghe nó nói :
     - Con nghĩ chắc vì họ nghèo chứ không phải họ xấu !
   Thương nó gì đâu !!!
                                                                                                                        Tuy Hòa 28/3/2010

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Vòng tròn bội bạc

hoilo
Hãy mượn ý tưởng từ tên một tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai để phác nên một bức tranh sơ lược về những điều chúng ta đang trải qua xem sao?

7h sáng, người nhân viên hộ tịch đang trông bà mẹ trong bệnh viện giật mình tỉnh dậy, chạy vội vàng ra phòng bác sỹ. Bác sỹ mổ chính của khoa vừa đến. Chị vội vàng dúi vào tay ông một chiếc phong bì, xin bác sỹ trực tiếp tham gia mổ cho mẹ em, rồi vội vàng chạy đi làm.
9h sáng, người bác sỹ sau giờ khám bệnh buổi sáng, tranh thủ cầm chiếc phong bì đi mua quà sinh nhật cho vợ. Ông bước vào cửa hàng thời trang lộng lẫy nhất phố, chọn một chiếc váy hàng hiệu, rồi trả tiền. Chiếc váy ấy thật ra là hàng nhái nhập về từ Quảng Châu, mang về cho người chủ món lợi đúng bằng chiếc phong bì mà bác sỹ nhận đầu buổi sáng.
11h sáng, người chủ cửa hàng thời trang đi ăn trưa. Trên đường đi, ông ta bị giật mất điện thoại. Chiếc điện thoại trông giống iPhone thật ra cũng mua từ Quảng Châu và giá đúng bằng số lãi ông ta bán chiếc váy giả cách đó vài tiếng.
Cậu thanh niên giật điện thoại, thực ra từng là một công nhân khu công nghiệp ngoại thành, bị mất việc nhưng không dám về quê, vạ vật ở thành phố rồi bí bách.
1h chiều, cậu đem bán chiếc điện thoại cho hiệu cầm đồ, rồi đem món tiền ấy trả cho hàng phở cậu hay ghi sổ đầu xóm trọ ở ngoại thành.
Bà chủ cửa hàng phở đã nấu bằng viên tạo ngọt hóa chất suốt mấy năm nay. Số tiền mà bà tiết kiệm được từ việc nấu phở kiểu ấy so với nấu bằng xương bò, trong một tháng bán phở cho cậu thanh niên kia, đúng bằng giá của chiếc điện thoại cậu vừa giật được.
3h chiều, ông lái thịt bò nhận được tiền thanh toán từ bà chủ quán phở. Ông này mừng lắm. Chỗ thịt thiu lách được hải quan để nhập từ biên giới về, chế lại bằng hóa chất, mang lại cho ông một món thật hời.
4h30 phút chiều, ông lái thịt bò chạy vội vàng ra phường, lao vào phòng hộ tịch. Chị cán bộ hộ tịch ngồi phía sau quầy mặt lạnh tanh. “Hết giờ làm việc rồi mai bác quay lại nhé”. Ông lái thịt chạy ra một góc kín, nhét hai tờ giấy xanh vào quyển sổ hộ khẩu. “Thế là coi như đứt mất lãi từ quán phở con mụ béo” – ông xót ruột nghĩ thầm. Rồi ông quay lại quầy, đẩy quyển sổ hộ khẩu về phía chị cán bộ. “Chị cố gắng giải quyết giúp tôi, nhà đang có việc gấp lắm”.
Người cán bộ hộ tịch ngồi phía sau quầy cũng chính là người đã đưa chiếc phong bì cho bác sỹ đầu buổi sáng. Số tiền đã quay trở lại với chị ta sau đúng một ngày làm việc.
Bạn thấy đấy, nếu xã hội vận hành như thế thì cuối cùng thì dường như là không ai mất tiền, không ai trở thành người bị hại cả.
Hay là ai cũng trở thành người bị hại nhỉ?
Nguồn : Internet

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Hết rồi ư ?

NGUYÊN NGỌC: TRƯỜNG PHÁI MỚI PHẢI XUẤT HIỆN TỪ BÊN LỀ


Nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: ĐTH
Nhà văn Nguyên Ngọc – Ảnh: ĐTH
NTT: Nhà văn Nguyên Ngọc là nhà quản lý văn nghệ với tư tưởng cấp tiến và cũng giàu kinh nghiệm… “thất bại”, nên ông thường nhìn ra những “lỗ hổng chết người” mà giới văn nghệ và quản lý văn nghệ thường vướng víu. Với bài viết “Hy vọng gì…” ngắn gọn và súc tích từ câu chuyện “luận văn Nhã Thuyên” nghiên cứu về nhóm “Mở miệng” bị báo chí chính thống “ném đá” qui kết “quan điểm lập trường”, ông đã chỉ ra cái ”lỗ hổng chết người” đang có thể lặp lại với văn nghệ nước nhà. 
Có thể nói, sự ra đời nhóm “Mở miệng” xuất phát từ sự bức xúc văn học và xã hội, muốn cất lên một tiếng nói diễu nhại như một phản biện về dân chủ và tự do văn chương đương thời. Theo tôi hiểu thì đó là một sự “phá bĩnh dễ thương” của một nhóm người trẻ khiến người ta phải chú ý, khó chịu và sờ lại gáy mình. Họ muốn cảnh tỉnh văn chương và xã hội, kể cả sự dám vượt qua “húy kỵ”, đả phá cả những giá trị đã và đang tồn tại. Vì thế, tuyên ngôn của họ là “Chúng tôi không làm thơ”. Với lời tuyên ngôn đó, ta biết chủ đích của họ không phải là “làm thơ” mà muốn cảnh tỉnh văn chương và xã hội. Họ là một “nhóm bên lề”, chưa tạo ra được một trường phái văn chương, nhưng họ kêu gọi văn chương phải có những trường phái mới. 
Tôi tâm đắc với nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc: “Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề”. Nhưng đọc xong bài viết này, tôi cũng nghe từ ông một tiếng thở dài ngao ngán...
Xin giới thiệu cùng bạn bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc:

NGUYÊN NGỌC: HY VỌNG GÌ…

Mấy hôm nay dư luận xôn xao vụ luận văn thạc sĩ của chị Nhã Thuyên. Cái đất nước mình thật lạ: thỉnh thoảng, chẳng hiểu sao, lại lui về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Nhân vụ này, tôi chợt nhớ anh Trần Độ, theo tôi là một người lãnh đạo văn nghệ giỏi và hay đến hiếm hoi từng có được trong suốt quá trình đời sống văn học nghệ thuật của ta trước nay.
Tôi xin kể một chuyện:
Hồi ấy, đầu năm 1979, tôi được điều về làm việc ở Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh Độ bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương. Một hôm anh bảo tôi sang chỗ anh chơi, và hỏi về Hội Nhà văn tôi định làm những gì. Tôi nói với anh về ý định, về các kế hoạch trù tính của tôi, và kết luận: với những việc ấy, nếu làm giỏi thì trong mươi năm, dở hơn thì khoảng vài ba mươi năm, hy vọng sẽ nâng cao được mặt bằng chung lên một bước, và trên cơ sở ấy mong có thể xuất hiện một vài đỉnh cao mới …
Anh Độ ngồi im một lúc, rồi nói, châm rãi: Mình tán thành tất cả kế hoạch của cậu, đều đúng và cần thiết … Nhưng có điều mình nghĩ thế này cậu ạ, trong nghệ thuật thường vẫn vậy, muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới …, cậu nghĩ coi, có đúng không? …
Tôi quen anh Độ đã lâu, từ hồi anh còn làm Chính ủy Quân Khu Đồng bằng, biết anh là một người rất tốt, yêu văn nghệ và quý trọng văn nghệ sĩ …, nhưng cũng chắc đến thế thôi, anh có được học hành, đào tạo gì gọi là cơ bản và hệ thống về chuyện này đâu. Ý kiến của anh khiến tôi giật mình, kinh ngạc. Không ngờ anh tinh tế, sâu sắc, thậm chí cũng có thể nói uyên bác đến thế.
Chúng tôi thân nhau từ đấy, tâm huyết.
Cho đến nay tôi vẫn nghĩ chúng ta đã bỏ mất một người lãnh đạo văn nghệ giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất mà ta đã từng có thể có. Bao giờ mới tìm lại được một người như vậy?
Nhắc lại chyện này tôi không có ý nói rằng luận văn của Nhã Thuyên về một hiện tượng văn học bên lề đã là khẳng định một trường phái văn học mới, nhóm Mở miệng đã là một trường phái văn học mới như anh Độ từng mong. Nhưng chỉ mới một hiện tượng hơi lạ như vậy, bàn về một hiện tượng hơi lạ như vậy, mà đã hô hoán cháy nhà um cả lên, rồi ngang nhiên trừng trị, cách chức …, thì liệu còn hy vọng chút gì thoát ra khỏi ao tù nữa. Thế mà chính những kẻ la làng ấy lại luôn miệng đòi hỏi đỉnh cao, đỉnh cao …
Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề.
Nhân đây cũng xin được nói luôn: hiện đang có một cái gọi là hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương ban bố mọi thứ đúng sai về văn học nghệ thuật trên cả nước này. Mà đứng đầu cái hội đồng ấy thì theo dư luận là mấy người chẳng dính dáng gì và chẳng biết chút gì về văn học nghệ thuật cả. Trong cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyên Văn Linh với văn nghệ sĩ cách đây mấy mươi năm, anh Nguyễn Đăng Mạnh có nói một câu chấn động, anh bảo Đảng khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ. Có người cho là giận mà nói quá. Nay với cái hội đồng vừa kể có người đứng đầu như vừa nói, lại có quyền hành lớn nhất về văn học nghệ thuật trên đất nước đau khổ này, thì quả là một sự sĩ nhục to lớn đối với toàn bộ giới văn nghệ và lý luận văn nghệ
Đỉnh cao với đỉnh thấp, hy vọng gì nữa.
N.N.
 Nguồn : 

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Mail của con trai.

Hoang Gia
20:15 (12 giờ trước)
tới tôi

gửi ba!

Con vừa đọc được 1 bài viết khá hay của 1 người bạn! thấy giọng văn và lập luận rất tuyệt...con nghĩ ba cũng thích nó!

THẾ HỆ 1991..

Hồi tôi học cấp 3, tôi và thằng Khôi hay nói với nhau rằng “tụi mình sinh vào cái năm 1991 là cái năm toàn những chuyện gì đâu, bởi vậy cái thế hệ tụi mình mới ra như thế này…”
Thật vậy, cái năm 1991 ấy xảy ra bao sự kiện lớn:
  • Liên Xô sụp đổ, hệ thống XHCN tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc
  • Chiến tranh vùng Vịnh lên đến đỉnh điểm ác liệt và chấm dứt
  • Nước Đức hoàn toàn thống nhất
  • Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với nhau kể từ chiến tranh 1979
  • Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động người Myanmar thắng giải Nobel Hòa Bình
  • Hai miền Triều Tiên cùng trở thành thành viên LHQ
  • Liên bang Nam Tư tan rã
  • Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH
  • Việt Nam và Mỹ bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ khi Văn phòng MIA của Mỹ chính thức đi vào hoạt động tại Hà Nội. Đây là cơ quan chính thức đầu tiên của Chính phủ Mỹ hoạt động thường trú tại Việt Nam từ năm 1975

Có lẽ sinh ra trong một năm đầy biến động như vậy, thế hệ 1991 cũng đầy biến động không kém.

Những người sinh năm 1991 chúng tôi là thế hệ đầu của cải cách, đổi mới. Một thế hệ hiếm hoi được học hết cấp 1 bằng chương trình sách giáo khoa cũ chỉnh lí năm 1995 “giảm tải” dần (từ mà cô Nhàn chủ nhiệm lớp 5 dùng khi đó), sau đó từ cấp 2 học hoàn toàn bằng một bộ SGK mới nặng hơn và màu mè hơn. 1991 lúc nào cũng là những người đầu tiên được học sách mới, được các bác hói đầu mang ra thử nghiệm và hứng bao nhiêu lỗi từ cái chương trình mới này. Thế hệ của chúng tôi, một thế hệ chuột bạch của nền giáo dục Việt Nam, một thế hệ không bao giờ dùng lại được SGK cũ của các anh chị đi trước, một thế hệ đã từng biết chơi đùa rất thoải mái sau giờ học hồi nhỏ khi học thêm học bớt chưa đại trà và cắm đầu học thêm lúc lớn khi cả xã hội chạy đua.

Thế hệ sinh năm 1991 (và cả 1990 và 1992) là những người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh Việt Nam chập chững hội nhập và mở cửa với thế giới, chứng kiến Việt Nam tiếp nhận ồ ạt ảnh hưởng văn hóa nước ngoài trong khi loay hoay với truyền thống. Khó có một lứa thanh niên nào khác ngoài những người đầu thập niên 1990 có thể vừa nghe nhạc Trịnh hay nhạc Phạm Duy một cách mùi mẫn, vừa có thể chết dí theo những bài K-pop sôi động. Thế hệ 1991 này, lúc này vẫn có thể ngồi cày game online hay xem Starworld bình thường mà không quên cách chơi dích hình hay ngồi xem Những bông hoa nhỏ. Ở giữa một giai đoạn chuyển tiếp văn hóa, 1991 vừa biết thế nào là banh đũa, là bắn bi, là truyện Cô tiên xanh, là game 4 nút – điều mà thế hệ 1993 trở đi và thế hệ Y (sinh sau 2000) ngày càng không biết vừa biết thế nào là điên cuồng cùng K-pop, nghe Lady Gaga, chơi DotA, xem High School Musical – điều mà thế hệ từ 1990 trở về trước hầu như khó tiếp nhận được.


Thế hệ 1991 chúng tôi, một thế hệ đứng giữa những sự thay đổi. Sinh ra và lớn lên vào thời điểm ấy, những người sinh 1991 đủ để nhận thức được cái thời mà điện thoại bàn vài nhà mới có một máy, muốn nghe gọi phải nhờ nhà hàng xóm cho tới thời nay khi mà mỗi người 1-2 cái điện thoại di động trong người; 1991 lớn lên vừa đủ để thấy được máy vi tính để bàn từ chỗ là một gia tài mơ ước trở thành cái laptop mà hầu như đứa nào cũng phải có; 1991 cầm đồng tiền đủ để hiểu sự tăng giá của cuốn truyện Đôrêmon từ 5.500đ vào năm 1998 lên 19.500đ 15 năm sau. Cái thế hệ 1991 này, khi còn hoa niên viết nhật ký chuyền tay, tập tành đọc truyện dài Nguyễn Nhật Ánh nhưng vẫn đi thuê Nữ hoàng Ai Cập và sau đó chuyển dần sang đọc Rừng Nauy hoặc Oxford yêu thương. Họ có thể có trên kệ sách của mình bộ truyện Shin – Cậu bé bút chì kinh điển xếp lẫn lộn với tập thơ Nguyễn Phong Việt bên cạnh Eat, Pray, Love. Cái thế hệ 1991 này, đã từng dành dụm 2,3k để mua thẻ đánh bát trong những quán game thẻ bây giờ lại ung dung ngồi laptop vừa mở Mương 14 vừa đọc phân tích trên Tuần Việt Nam. Chúng tôi có thể ngồi hàng giờ để tám chuyện showbiz, nói xem Bịa Bơ (Justin Bieber) đẹp trai như thế nào nhưng cũng có thể ngồi hàng giờ bàn xem đồng chí X tốt xấu ra sao.

Chúng tôi, có thể xem Pavel là tấm gương nhưng cũng có thể xem Suju là thần tượng.


1991 chúng tôi đã từng biết một cái nắm tay to tát và ngại ngùng đến chừng nào khi còn học trung học nhưng bây giờ cũng đủ trải đời để biết chấp nhận chuyện quan hệ trước hôn nhân là bình thường. 1991 lớn lên trong cái giai đoạn khi xã hội Việt Nam bị mở tung, những giá trị xưa cũ chưa kịp ăn sâu đã tiếp nhận và xung đột với những giá trị mới, họ không thuộc về một thế giới 8x có phần ổn định hay một thế giới 9x quá năng động.

Họ đứng hai chân giữa hai thế giới này.


1991 có thể là một thế hệ đầy bất an, nhưng họ cũng dễ dàng cân bằng.

Chẳng hiểu tại sao, từ khi tôi đi học, môi trường của những tập thể người 1991 xung quanh tôi thường ổn định. Không có một sự quá cực đoan thiên về một hướng, không có quá nhiều xung đột với những thế hệ khác, dù họ đa dạng nhưng hòa hợp. Như ở IR chẳng hạn, dù tập thể 1991 từng cá nhân có quá nhiều sự khác biệt, nhưng tổng thể cái tập thể ấy lại là tập thể bình yên và hòa hợp nhất.

Tôi nhớ năm đầu tiên vào ĐH, cô chủ nhiệm bảo khóa này có cái gì đó trầm, không sôi nổi và cũng không quá xuất sắc. 1991 cứ bình bình như thế. 1991, có cảm giác không có bất kì cá nhân nào quá nổi trội, một thế hệ gần như lặng lẽ, nhưng mỗi con người lại có những xung đột rất lớn.

Cái thế hệ 1991 này, tình yêu cũng đầy xung đột, đôi lứa cũng đầy nhưng FA cũng nhiều. Những người 1991 xung quanh tôi và ngay cả chính tôi, tình yêu chẳng bao giờ có sự ổn định khi những quan niệm tình yêu cũ và mới liên tục mâu thuẫn. Những kẻ sinh 1991, cứ loay hoay mãi trong cái mớ suy nghĩ về hạnh phúc.

Và cái thế hệ 1991 này, đa số năm nay đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời, đang lo lắng và suy nghĩ rất nhiều về tương lai của mình, trăn trở về con đường mình sẽ đi, có lẽ là nhiều hơn hẳn những thế hệ trước. Một thế hệ mà theo tôi cảm nhận khi nói chuyện với rất nhiều bạn bè của mình là bất định và không chắc chắn về tương lai, thậm chí là cuộc sống.

Đó là cảm nhận của riêng tôi thôi, nhưng rõ ràng, thế hệ 91 (và cả 90 hay 92) là một thế hệ không bình thường, trưởng thành trong một giai đoạn mà những giá trị đều bị đảo lộn.

Nhưng tôi tin lời cô Hồng, vì cô nói rằng thế hệ trưởng thành trong giai đoạn xã hội đầy biến động như thế này càng về sau sẽ dễ dàng cân bằng được trong cuộc sống.

1991 có lẽ là một thế hệ đầy rắc rối, một thế hệ một phần nào đó mất phương hướng và không ổn định.
Sinh năm 1991 là phức tạp và đặc biệt, đúng không?

Một thế hệ đầy hoài nghi, nhưng cũng lắm mơ mộng.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Đả đảo...

Câu chuyện kỳ lạ người đàn ông mang tên Hùng

Văn Công Hùng

Tôi sẽ cố gắng dùng giọng báo, lối kể báo để kể câu chuyện này một cách tóm tắt, cương quyết không cho cảm xúc chen vào, bởi bản thân câu chuyện này, một cách trần trụi nhất, cũng cho chúng ta hiểu thêm nhiều về những vùng lõm mà chúng ta, có thể vô tình hay cố ý, không hiểu hoặc chưa hiểu...

Năm 1964, cháng thanh niên Nguyễn Quang Hùng, quê Nam Định, nhập ngũ. Lúc xảy ra câu chuyện này anh là tiểu đội trưởng trinh sát. Ấy là năm 1966 đang cùng tiểu đội trinh sát một cứ điểm ở huyện Phù Cát, Bình Định thì lọt vào ổ phục kích. Anh bị thương ở tay.

Sau mấy ngày lẩn trốn với cánh tay sưng vù thì anh bị bắt khi hoàn toàn không còn sức kháng cự. Khi bị bắt anh nói ngay anh là bộ đội Miền Bắc bởi cái giọng Bắc không lẫn vào đâu được. Đơn vị lính Mỹ bắt được anh dùng trực thăng đưa anh lên bệnh viện An Khê cữu chữa. Tại đây anh được một bác sĩ quân y Mỹ tên là Sam Axelrad trực tiếp cứu chữa và cưu mang. Cứu chữa là cưa tay của ông và phục hồi sức khỏe của ông. Cưu mang là giữ ông ở lại doanh trại đến hơn 2 tháng trời cho đến khi chỉ huy biết, kêu Sam ra hỏi: tôi nghe nói anh đang chứa chấp đối phương trong doanh trại. Vâng, đúng thế, thưa ông. Vậy anh có 24 tiếng để xử lý việc này. Trong vòng 24 tiếng, Sam đã dùng trực thăng chở anh Nguyễn Quang Hùng xuống Quy Nhơn, gửi ở một bệnh viện tư- thay vì nộp cho chính quyền-, và ông Hùng, với 1 cánh tay còn lại, trở thành một nhân viên y tế bất đắc dĩ, chỉ có cơm ăn không có lương. Năm 1969, ông quay lại An Khê, nơi mình đã được chữa lành vết thương, sống ở đấy và có vợ sinh con cho đến nay. Nên nhớ, năm 1969, An Khê vẫn của chính quyền Sài Gòn quản lý, và ông Hùng là chiến sĩ quân giải phóng Bắc Việt.

Ngày hôm kia thì một sự kiện nữa xảy ra, ấy là cái ông bác sĩ Sam ấy, một hôm ngồi lục cái thùng "ký ức chiến tranh" tổ bố của mình thì thấy... ảnh ông Hùng và cánh tay ông Hùng, tất nhiên là chỉ còn xương được ông bảo quản rất cẩn thận. Một ý nghĩ thôi thúc là phải trả lại cánh tay này cho người lính đối phương năm xưa. Và thế là ông nhờ một tờ báo VN làm cầu nối, và phép thần đã xảy ra- tìm được manh mối ông Hùng.

Sam bỏ tiền túi cùng 2 con và 2 cháu sang An Khê tìm ông Hùng, và cuộc trùng phùng ấy đã diễn ra trong sự ngạc nhiên và thích thú của rất nhiều người. Họ gặp nhau như 2 người bạn, như những tri kỉ, những ân nhân mang nợ nhau. Và vì thế mà nó đẫm chất nhân văn, thứ nhân văn của những người đã vượt qua cái chết, đã hiểu thế nào là sự đau đớn, là ngưỡng của sự sống, của những người ngộ ra nhiều điều...

Té ra chiến tranh, trong từng góc khuất của nó, có vô vàn những câu chuyện kỳ lạ, sự kỳ lạ mà chính người trong cuộc khi chứng kiến nó mà vẫn tưởng như mơ. Những người lính thứ thiệt, tận cùng họ, là sự lạc quan và nhân bản vô kể. Là tôi nói cả ông Sam và ông Hùng...

Vội quá, gõ tạm thế đã. X
in mấy tấm ảnh của nhà báo Trần Hiếu và Thái Bá Dũng nhé.

Ảnh này và ảnh dưới do ông Sam cung cấp, chú ý gương mặt và dáng đứng của cả 2 người, đặc biệt là ông Hùng, một tù binh Bắc Việt đang ở trong doanh trại đối phương. Sau này gia đình ông đã lập bàn thờ ông...


 Mình chọn  tiêu đề mới cho bài này vì quá ấn tượng trước một comment bên nhà bác VCH, chép lại nguyên văn :Nặc danh nói...
đả đảo bọn đế quốc mỹ sài lang hung ác, đã giam cầm khúc xương của chiến sỹ giải phóng việt nam suốt hơn 40 năm ròng

Tìm kiếm Blog này