Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Quý bà lưu ý !

                                                                                                       Thay cho lời chúc muộn.
  Bạn bè lâu lâu cũng điện thoại cho nhau xem thử sống chết thế nào. Chuyên trên trời, chuyện dưới đất, chuyện tào lao bí đao v.v…nói chung là thông báo cho nhau tình hình cả hai bên đều quan tâm và cũng hứa sẽ duy trì và phát triển mối quan hệ còn nhiều…tiềm năng. Một lần tầm phào như vậy, mình buột miệng : " Mày khỏe không?". Ông bạn ngạc nhiên tột độ, mình cũng thấy có gì đó không được tự nhiên. Ngẫm lại, cả đám bạn thân chơi với nhau mấy chục năm trời, có bao giờ hỏi han nhau chuyện giãn xương nhão cốt ! Cái câu hỏi cắc cớ đó vô tình làm câu chuyện trôi về phía nhạt và phải kết thúc sớm. Mình biết cả hai đều buồn !
   Không nghĩ rằng buồn vì lời hỏi thăm sức khỏe kia là khách sáo.
   Mà biết, nói đến sức khỏe nghĩa là  thời trai trẻ nay còn đâu !
   Tự nhủ từ rày sắp lên câu cửa miệng mỗi khi gặp quý ông là : " Mày xài Viagra chưa ?"

   Nghĩ sao , thưa Quý Bà ???

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Cú mở Đầu

 Mồng một tết, về viếng mộ và thắp hương cho ông bà Ngoại.
 Chuyện vãn với ông cậu ruột - U80, trung tá cựu chiến binh binh chủng thiết giáp bộ đội cụ Hồ, nhân vật trong nhóm hưu trí ra đao với "Bóng anh hùng", một sự kiện "zăng quá" làm Phú Yên trở nên nổi tiếng trong năm vừa qua.
 Thấy mình đốt thuốc, cậu phẩy tay :
    - Toàn thứ độc hại, vẫn không từ bỏ được à ?
 Có chút rượu dẫn đường, mình hỗn hào phang tới :
    - Có những thứ độc hại gấp vạn lần cậu vẫn ấp ủ cả đời đấy thôi!
    - Cái gì?
 Chẳng cần đến câu trả lời, một thoáng biến sắc rồi đột nhiên cậu cười hề hề. Và mắng :
    - Mày đúng là thằng phản động!
 He he!!!

P/S : Khai bút nên rất có thể câu chuyện trên là sự thật. Hehe thêm phát nữa!!!
                                                                                                                 Mùng 1 Tết Giáp Ngọ



Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

VietNam : Triết lý Giáo dục

Vietnam: Triết lý Giáo dục.

Nhìn lại cái Dạy và cái Học của chúng ta từ ngàn năm (sở dĩ chỉ ngàn năm trở lại, vì trước đó cái Lịch sử nó tù mù đến nỗi...chúng ta ko biết cha ông ta học cái gì nữa, he e...) trở lại đây và cho đến cả Hôm nay, chúng ta thấy cái gì là chung nhất, đăc sắc nhất?
Trong ngàn năm ấy, Vietnam sống trong những chế độ chuyên chế nối tiếp nhau, chỉ có cái tên là thay đổi: Lý, Trần, Lê, Nguyễn  ...mà bản chất chỉ  là một: chuyên chế và chiếm đoạt.
Tất cả mọi của cải trong nước và bản thân mạng sống mỗi thần dân thuộc về chỉ một thằng người: Vua.
Để duy trị thể chế đó, Vua cần hai thứ:
- cơ cấu quyền lực và 
- nhân lực cho cơ cấu đó.
Cơ sở cho tư tưởng (Ideology) thích hợp nhất cho việc dạy dỗ, mê hoặc nhân dân về tính chính thống , thậm chí là tính mặc định cho một thể chế như vậy ko gì tốt hơn là cái Học thuyết làm Nô lệ mà các bạn gọi là Khổng-Nho.
Về phía người dân? Cách duy nhất để "sống tốt" là học nó - không phải để hiểu biết - mà để có cơ hội tham gia vào cái cơ cấu quyền lực của Vua.
Khổng-Nho và chỉ có Khổng-Nho, học ko phải để cho hiểu biết mà học để thi đỗ - đó là  làchỗ gặp nhau của kẻ cai trị  và những kẻ bị trị.
Cả hai bên đều hết sức hài lòng về chỗ gặp nhau này.
Sự hài lòng đó kéo dài ...một ngàn năm.
Và đó cũng chính là cái Triết lý Giáo dục của Vietnam suốt ngàn năm qua.
Thể chế nào thì sinh ra Giáo dục nấy, một thể chế nô dịch - dĩ nhiên - cần có một nền Giáo dục nô dịch. 
Nhưng khi người Pháp sang, họ cũng nô dịch...?
Cũng như Vua Vietnam trước đó, France cũng cần hai thứ:
- cơ cấu quyền lực và 
- nhân lực cho cơ cấu đó.
Nhưng họ lại không thể cai trị Vietnam và duy trì tính chính thống của nền cai trị đó bằng văn hóa, ngôn ngữ và "học thuyết" của ...Rợ đc.
Đó là cái may cực lớn cho chúng ta.
Hôm nay?
Hơi ...khác tí.
Cách kiềm tiền, hay như trên - cách để có thể "sống tốt" - là ...làm công bộc của Nhân Dân. Mà để đc làm công bộc của Nhân dân, cái quan trọng nhất ko phải là hiểu biết hay tri thức, cái quan trọng là bằng cấp.
Nói cách khác: là bạn thi có đỗ ko.
Có duy nhất một điểm khác:  Ngày xưa, quyền lực tập trung vào Vua, nên thằng cha đó ko cần bọn bằng rởm.
Nay quyền lực có phân tán hơn, thành các "nhóm công bộc", nên bằng rởm bằng giả đều OK.
Và đó lại là một chỗ gặp nhau, không phải của kẻ cai trị  và những kẻ bị trị, mà là của những ông chủ và công bộc của họ.
Chỗ gặp nhau đó, lại cũng như xưa, thành cái Triết lý Giáo dục cho Hôm nay.

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Nàng tiên cá

Các cư dân của vùng biển Ðông nước Nga vừa phát hiện một xác chết của... nàng tiên cá! Câu chuyện thần thoại về nàng tiên tóc vàng có giọng ca trong như pha lê cuối cùng đã được hé mở.
Những dân chài đã thực sự ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh một xác người có đuôi giống cá chết, trôi dạt vào bãi biển.

Các nhà khoa học ngay lập tức đã được mời đến khám nghiệm. Hiện tổ chức sinh vật lạ đại dương của Nga vẫn chưa có câu trả lời chính xác về nàng tiên cá này.

Dưới đây là một số bức ảnh về nàng tiên cá bí ẩn.

 Nguồn : internet

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

NGHIÊNG MÌNH !!!


Suy ngẫm nhân ngày quốc tang Đại tướng
Nguyễn Trọng Bình

“Một người mà sự ra đi sẽ buộc người Việt Nam phải suy ngẫm về quá khứ đổ vỡ của mình và hướng đến một tương lai chung”. Tác giả Jonathan London  trong bài viết Những ý nghĩa của việc tướng Giáp qua đời đăng trên blog cá nhân của ông đã kết luận như vậy về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cá nhân tôi thấy câu kết này hay và có ý nghĩa, tác động mạnh với tôi. Vì thế, tôi đã mạo muội... “suy ngẫm” ra 3 vấn đề nhân ngày quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới đây.
1. “Trái”, “phải” – đâu cũng là máu mủ Việt Nam, vậy mà...
Nếu ai đó bình tâm dạo 1 vòng các trang báo mạng cả "trái" lẫn "phải" suốt từ hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đến nay, bỏ qua một vài ý kiến có phần “cực đoan” không đáng chấp, có thể thấy phần lớn người dân Việt Nam khắp nơi trên thế giới đều dành những tình cảm đặc biệt pha lẫn niềm tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt có những trang mạng lâu nay bị xem là "lề trái" (như trang Bauxite, quechoa...), hay những tác giả viết bài cho các trang này bị quy là thành phần "chống đối" thậm chí "phản động" này nọ nhưng tình cảm của họ dành cho Đại tướng lại rất chân thành, xúc động, sâu sắc và có khi lại nhân văn hơn nhiều so với những trang, những tác giả ở báo "lề phải" nữa! Tại sao như vậy? Tôi tự đặt ra câu hỏi này cho riêng mình và tạm thời tự bằng lòng với lời giải đáp rằng: “Trái”, “phải” – đâu cũng là máu mủ Việt Nam ta cả. Vấn đề là lâu nay phải chăng chính cách nghĩ phải “luôn nâng cao tinh thần cảnh giác” trước những “âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch” từ “những người có trách nhiệm cao nhất” của đất nước không ít thì nhiều đã nhẫn tâm chối bỏ những tình cảm chân thành thiêng liêng; những cảm xúc thiết tha; những mong mỏi chính đáng của rất nhiều người Việt Nam (có thể quan điểm của những người này có sự “khác biệt” với quan điểm “chính thống” nhưng lúc nào họ cũng dành tất cả tâm huyết cũng như sự hi vọng trong tương lai đất nước và dân tộc Việt Nam sẽ ngày một tươi sáng hơn). Phải chăng chính sự “cảnh giác cao độ” này đã đưa đến một thái độ, một con mắt hoài nghi “nhìn đâu cũng thấy địch” từ đó vô tình đánh mất đi cơ hội hòa hợp, hòa giải dân tộc; đánh mất đi cơ hội “tập hợp hiền tài”, vô tình làm vơi dần “nguyên khí quốc gia” trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước suốt mấy mươi năm qua? Nếu đúng như thế thì “những người có trách nhiệm cao nhất” của đất nước có nên nhân sự việc này mà bình tâm và dũng cảm nhìn lại không? Những suy nghĩ và những phát ngôn ít nhiều mang tính “suy diễn”, “quy chụp” nhiều khi rất nặng nề đối với những nhân sĩ, trí thức có suy nghĩ “trái chiều”, “khác biệt” với mình phải chăng rất cần được suy xét lại, cần được nhìn nhận lại một cách nhân văn, nhân ái hơn? Thiết nghĩ, nếu thực lòng vì dân, vì nước; nếu muốn được nhân dân tôn kính và “phong Thánh” như trường hợp của Đại tướng hiện giờ, những lãnh đạo cao nhất của đất nước nên nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này.
2.  Thói háo danh hay là sự bất lương của những kẻ “té nước theo mưa”
Như cách nói thực tâm của một số người, sự ra đi của Đại tướng hóa ra lại là một “món quà vô giá” cho cả dân tộc trong lúc này nhất là đối với những lãnh đạo đang và sẽ nắm vận mệnh tương lai của đất nước. Vì đây là chính “cơ hội” để họ nhìn lại bản thân trong quá trình điều hành đất nước (rất xin lỗi vong linh và gia đình Đại tướng nếu phải nói sự ra đi của ông là “cơ hội” cho kẻ khác thì có gì đó cũng hơi bất nhẫn). Bởi lẽ, ai rồi cũng sẽ tới ngày trở về cát bụi giống như Đại tướng thôi. Vấn đề là khi ngày ấy xảy đến, liệu trong nhân dân có mấy người đến nhỏ cho vài giọt nước mắt tiễn đưa? Từ những lý do ấy, nên việc nhắc lại công lao, dành sự khen ngợi cho Đại tướng với ý nghĩa như là một bài học nhằm giáo dục ý thức cho lớp trẻ trong những ngày này là vô cùng chính đáng và cần thiết.
Tuy nhiên, tiếc thay, những ngày qua có vẻ như có quá nhiều những lời khen ngợi dành cho Đại tướng được tuôn ra theo kiểu “té nước theo mưa”, kiểu tâm lý đám đông và tâm lý bầy đàn... thật đáng xấu hỗ. Không khó để chúng ta phát hiện ra những bài viết kể lại “những kỷ niệm gặp gỡ”, kể lại cái“vinh dự được bắt tay” Đại tướng hay những “vần thơ... đưa đám” rất hời hợt, giả tạo, sống sượng, thậm chí xu nịnh nhưng cố làm ra vẻ chân thành của một số người... Ở góc nhìn văn hóa, đây là một trong những biểu hiện của thói háo danh của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam ta hiện nay đặc biệt là những người đã “nổi tiếng” rồi nhưng lại muốn “nổi tiếng” nữa (có vẻ như những người này sợ nếu tên tuổi họ một hai ngày mà không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thì công chúng sẽ quên họ chăng?). Không dừng lại ở đó, những kẻ tận dụng tối đa phương tiện truyền thông để khai thác những thông tin vụn vặt về đời tư và gia đình Đại tướng, hay những thông tin bên lề tang lễ ông để đổi lấy vài đồng nhuận bút thì thật lòng phải nói đây là hành vi của những kẻ bất lương chứ chẳng phải hành vi thể hiện sự tôn kính gì cả.
Tóm lại, mọi trường hợp “ăn theo” như thế này, từ góc nhìn văn hóa mà nói, đều không có giá trị trong việc hướng thiện con người; hoàn toàn không có lợi cho việc giáo dục người trẻ giúp họ định hình nhân cách về sau (nếu như những “người lớn” thực sự muốn như thế).
3. Nhìn cách ứng xử của người Pháp đối với Đại tướng và nhìn lại văn hóa ứng xử của dân tộc mình
Tối ngày 9/10/2013, bản tin thời sự lúc 19 giờ của đài truyền hình Việt Nam đưa tin có một bộ phận nhân dân Pháp (nhà báo, nhân sĩ, trí thức...) đã tổ chức lễ tưởng niệm Đại tướng ngay trên chính quê hương họ. Điều này làm cho bản thân anh phóng viên thường trú tại Pháp vô cùng bất ngờ để rồi thốt lên rằng “không hiểu sao lại có chuyện như thế”? Bởi chính người Pháp trước đây từng bị Đại tướng đánh một trận... te tua nhưng giờ đây chính họ chứ không ai khác không những không hận thù mà còn dành cho Đại tướng sự kính phục và trân trọng nhất.
Xem xong bản tin ngắn ngủi ấy lại một câu hỏi nữa tự đặt ra: ở góc độ ngoại giao, một quốc gia, một dân tộc từng có những mối “thâm thù” với mình nhưng giờ đây chính họ lại bày tỏ sự khâm phục và kính trọng dân tộc mình (thông qua con người Đại tướng) còn mình, mình đã nhìn và nghĩ về họ như thế nào, mình ứng xử với họ ra sao? Trên phương diện quan hệ quốc tế và danh dự quốc gia đây rõ ràng là vấn đề lớn cần phải nghiêm túc nhìn nhận.
Nghĩ đến đây bỗng nhớ lại mấy năm về trước - cái hồi phát hiện ra Nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm do hai người (một Việt, một Mỹ)  thuộc phía “bên kia chiến tuyến” gìn giữ suốt một thời gian dài và trao lại. Lúc ấy cũng rùm beng “niềm tự hào dân tộc” suốt 1 thời gian dài. Tuy vậy, không biết có “ai đó” tự hỏi rằng: “những người bên kia chiến tuyến” từng một thời “không đợi trời chung” đã gìn giữ cho “bên mình” 1 kỷ vật quý vậy “bên mình” có ai từng giữ và trao lại cho “bên họ” kỷ vật nào không? (nếu có sao không nghe ai nhắc gì). Hay là “những người bên kia chiến tuyến” vốn “vô cảm” và “tàn ác” lắm nên họ đâu có kỷ vật gì đáng để cho mình cất giữ giùm?
Một vấn đề nữa, công bằng mà nói nếu so với người “bạn láng giềng” Trung Quốc (1000 năm đô hộ trước đó, năm 1979 xua quân tấn công sau này) thì tội ác của người Pháp và sau này là người Mỹ (dĩ nhiên cũng cần nhấn mạnh chỉ một bộ phận người Pháp và người Mỹ thôi chứ không phải tất cả) đối với với dân ta chẳng thấm tháp gì. Vậy mà thời gian qua, không hiểu sao trong tư duy của “nhiều người” và qua sách vở (nhất là sách sử) lúc nào cũng tuyên truyền cho cháu con là phải “căm thù” và "nâng cao cảnh giác" đối với người Pháp, người Mỹ; trong khi đó với 1 kẻ mà lúc nào cũng nuôi ý định nuốt chửng ta thì lại là "láng giềng hữu nghị" là "anh em tốt"; sử sách nước nhà rất hiếm khi kể ra sự tàn bạo và dã man của họ? Nói điều này, thật lòng không phải nhằm gây chia rẽ với “người láng giềng” trong thời điểm hiện tại nhưng rõ ràng, cách tư duy này của “không ít người” là rất “không rõ ràng”, còn nhiều “lấn cấn”; nhất định phải “điều chỉnh” lại nhằm trả lại sự công bằng cho lịch sử, trả lại sự công bằng cho các thế hệ cha ông đã nằm xuống vì sự tàn bạo của “người hàng xóm” một thời. Đồng thời cũng là thể hiện một thái độ văn hóa, văn minh trong ứng xử của một dân tộc nếu muốn giao lưu, hợp tác với bạn bè thế giới.
Nghiêm túc mà nói, liên quan đến vấn đề này, không khó để ghi ra đây những lời răn dạy vốn là di sản văn hóa truyền thống của cha ông như: “Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng”; “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”; “thêm một người bạn còn hơn thêm một kẻ thù”, “chín bỏ làm mười”.... Đây rõ ràng là những bằng chứng sống động cho thấy văn hóa ứng xử của dân tộc Việt vốn không phải là tệ. Vấn đề là, có lẽ do trong hoàn cảnh đất nước có quá nhiều chuyện phải “quyết giữ” mà “nhiều người” lại không biết cân nhắc, không nhận ra cái gì là tài sản quý giá của dân tộc mình, của đất nước mình để mà giữ. Nên lẽ ra, cái nền tảng văn hóa – cái làm nên bộ mặt tinh thần của dân tộc phải cố mà gìn giữ và phát huy (như những lời răn dạy này của cha ông) thì họ lại... quên (hay cố tình quên) đi? Vậy nên, hi vọng là qua chuyện người Pháp tổ chức lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (vốn là đối thủ của họ trong cuộc chiến một mất một còn) lần này, mỗi người Việt Nam sẽ tự nhìn lại văn hóa ứng xử của bản thân hay rộng hơn là của dân tộc mình.
Trong ý nghĩa này, một lần nữa, có lẽ mỗi người Việt Nam lại phải nghiêng mình trước anh linh viên dũng tướng Võ Nguyên Giáp - một người vĩ đại đến cái chết cũng có ý nghĩa vĩ đại.
Cần Thơ, 10/10/2013 

   Nguồn : viet-studies.info

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Vi Thùy Linh từng nói : độc giả tàn nhẫn với thơ!

Quảng cáo tập thơ Chấm của NGUYỄN NGỌC TƯ

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được xem như một hiện tượng văn chương Việt Nam thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Hầu hết tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư như “Ngọn đèn không tắt”, “Cánh đồng bất tận”, “Gió lẻ” hay “Khói trời lộng lẫy” đều bán rất chạy. Đùng một cái, Nguyễn Ngọc Tư chuyển sang làm… thơ. Ngỡ chỉ cảm hứng bất chợt, ai dè Nguyễn Ngọc Tư in tập thơ “Chấm”. Thời buổi này, thơ cực kỳ khó bán, nếu không muốn nói là không thể bán. Thơ in 500 bản có khi ba năm sau còn tặng chưa hết. Vậy mà “Chấm” in hai ngàn bản, giá bìa 70 ngàn đồng. Phen này, nếu “Chấm” bán hết thì…không khéo lại có biến động lớn. Theo nhà văn Đỗ Bích Thúy bình luận: “Chấm” ăn khách, khối nhà văn sẽ lên cơn sốt thi ca, và ai cũng làm thơ thì Hội Nhà văn VN sẽ không có tác phẩm để… trao giải thưởng văn xuôi hàng năm!



Trong tập thơ “Chấm” có nhiều câu thơ thú vị như “Bóng người thì tối. Gió nổi từ lời. Lòng dạ trùng khơi. Khóc cười mặt nạ”. Thế nhưng, để kích cầu, Nguyễn Ngọc Tư tự viết… quảng cáo như sau:

Bạn là người yêu thơ ? Cưới ngay “Chấm” kẽo lỡ
Bạn là người ghét thơ ? Mang “Chấm” về, món này quá hợp để sắc mặn thêm lòng căm thù thơ của bạn, khẳng định lần nữa ta không thể đội trời chung với đồ quỷ thơ ca này.
Bạn là người nhân ái ? Hãy mua “Chấm”. Bạn mang anh em nó về hết rồi, lẽ nào để thân gái nhỏ bơ vơ một mình giữa chợ
Bạn người vui tính, hay gây sốc ? Hãy mua “Chấm”. Mọi người sẽ hết hồn té ngửa sau đó cười sằng sặc khi nghe bạn bảo ê tao vừa mua một tập thơ nè bây. Quá sốc !
Bạn là người thích nổi bật ? “Chấm” rất hợp với bạn. Không cần khoe ngực trần hay đứng bên chiếc xe hơi chục tỷ, hay nhuộm tóc bảy màu, xăm 7 chỗ… việc cầm tập thơ trên tay bạn vẫn khiến thiên hạ phải ngoái nhìn đến nỗi va đầu vào cột điện. Họ nghĩ cô ấy (hoặc anh ấy) thật khác thường. Chỉ 70.000 (hoặc 63.000, nếu mua qua mạng) mà chói lóa giữa đám đông, còn chần chờ gì nữa…
Bạn là người tò mò? Mua “Chấm” lẹ lẹ. Trong thơ biết đâu cũng lộ hàng, “anh” trong thơ là ai? Là thằng nào, thằng nào, thằng nào, thằng nào?
Bạn là người thích sưu tập sách? Cần có “Chấm”. Biết đâu sau này cô Tư sẽ dành được giải No Bơ (Giải thưởng của hiệp hội những người trồng bơ Đà Lạt), và mối mọt trong nhà làm sao sống nổi nếu thiếu quyển này để gặm
Bạn là người bận rộn? “Chấm” rất hợp với bạn. Tổng cộng chỉ 4928 chữ (không tính phần thông tin xuất bản và lưu chiểu)
Bạn là người nhàn rỗi? Hãy mua “Chấm”. Bạn sẽ được suy tư kiểu như “đã thông thuộc tận cùng nhau” là tận cùng cái gì? Tức là cái gì có thể thò đến tận cùng ? Còn đây, “Thêm que củi đặt vào bếp nguội”, ái chà, chuyện nam nữ tằng tịu sao lại có chuyện củi đút lò ở đây ? Ái chà, ái chà chà
Và, bạn là người theo chủ nghĩa “đẹp nhất mối tình đầu”, đây, mối tình đầu của tôi đang chờ bạn rút ví ra chào đón vẻ đẹp của em ấy.

Cuối cùng, bạn không thuộc về nhóm người có tính cách nào trên đây ? Hãy cứ đón “Chấm” về nhà. Bên xuất bản huề vốn thì chục năm nữa con em chúng ta mới còn cơ hội nhìn thấy một vài quyển thơ bày bán trong nhà sách (mong muốn này mới tột bậc làm sao!) 

   Nguồn : LÊ THIẾU NHƠN

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Chẳng nên nghi ngờ



          Adam & Eva là người nước nào ?

Một người Pháp, một người Mỹ và một người Việt Nam tranh luận xem Adam & Eva là người nước nào.
   Người Pháp nói :
" Chúng nó trần truồng và trụy lạc ngay trước mặt thượng đế, lãng mạn như thế, chỉ có thể là dân Pháp"
   Người Mỹ nói :
" Tự do luyến ái đến mức lẽ ra có thể sống hạnh phúc, chỉ cần đừng đụng đến điều cấm, nhưng với khát vọng tự do cá nhân họ vẫn không chịu sự cấm đoán đó, thì chỉ có thể là dân Mỹ"
   Cuối cùng, người Việt Nam nói :
" Không áo, không quần, nhà cửa chẳng có, thậm chí đến ăn một trái táo mà cũng bị cấm, thế mà vẫn luôn miệng bảo là đang sống trên thiên đường, thì chắc chắn là dân ...Việt Nam"

Tìm kiếm Blog này