Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Mail của con trai.

Hoang Gia
20:15 (12 giờ trước)
tới tôi

gửi ba!

Con vừa đọc được 1 bài viết khá hay của 1 người bạn! thấy giọng văn và lập luận rất tuyệt...con nghĩ ba cũng thích nó!

THẾ HỆ 1991..

Hồi tôi học cấp 3, tôi và thằng Khôi hay nói với nhau rằng “tụi mình sinh vào cái năm 1991 là cái năm toàn những chuyện gì đâu, bởi vậy cái thế hệ tụi mình mới ra như thế này…”
Thật vậy, cái năm 1991 ấy xảy ra bao sự kiện lớn:
  • Liên Xô sụp đổ, hệ thống XHCN tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc
  • Chiến tranh vùng Vịnh lên đến đỉnh điểm ác liệt và chấm dứt
  • Nước Đức hoàn toàn thống nhất
  • Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với nhau kể từ chiến tranh 1979
  • Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động người Myanmar thắng giải Nobel Hòa Bình
  • Hai miền Triều Tiên cùng trở thành thành viên LHQ
  • Liên bang Nam Tư tan rã
  • Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH
  • Việt Nam và Mỹ bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ khi Văn phòng MIA của Mỹ chính thức đi vào hoạt động tại Hà Nội. Đây là cơ quan chính thức đầu tiên của Chính phủ Mỹ hoạt động thường trú tại Việt Nam từ năm 1975

Có lẽ sinh ra trong một năm đầy biến động như vậy, thế hệ 1991 cũng đầy biến động không kém.

Những người sinh năm 1991 chúng tôi là thế hệ đầu của cải cách, đổi mới. Một thế hệ hiếm hoi được học hết cấp 1 bằng chương trình sách giáo khoa cũ chỉnh lí năm 1995 “giảm tải” dần (từ mà cô Nhàn chủ nhiệm lớp 5 dùng khi đó), sau đó từ cấp 2 học hoàn toàn bằng một bộ SGK mới nặng hơn và màu mè hơn. 1991 lúc nào cũng là những người đầu tiên được học sách mới, được các bác hói đầu mang ra thử nghiệm và hứng bao nhiêu lỗi từ cái chương trình mới này. Thế hệ của chúng tôi, một thế hệ chuột bạch của nền giáo dục Việt Nam, một thế hệ không bao giờ dùng lại được SGK cũ của các anh chị đi trước, một thế hệ đã từng biết chơi đùa rất thoải mái sau giờ học hồi nhỏ khi học thêm học bớt chưa đại trà và cắm đầu học thêm lúc lớn khi cả xã hội chạy đua.

Thế hệ sinh năm 1991 (và cả 1990 và 1992) là những người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh Việt Nam chập chững hội nhập và mở cửa với thế giới, chứng kiến Việt Nam tiếp nhận ồ ạt ảnh hưởng văn hóa nước ngoài trong khi loay hoay với truyền thống. Khó có một lứa thanh niên nào khác ngoài những người đầu thập niên 1990 có thể vừa nghe nhạc Trịnh hay nhạc Phạm Duy một cách mùi mẫn, vừa có thể chết dí theo những bài K-pop sôi động. Thế hệ 1991 này, lúc này vẫn có thể ngồi cày game online hay xem Starworld bình thường mà không quên cách chơi dích hình hay ngồi xem Những bông hoa nhỏ. Ở giữa một giai đoạn chuyển tiếp văn hóa, 1991 vừa biết thế nào là banh đũa, là bắn bi, là truyện Cô tiên xanh, là game 4 nút – điều mà thế hệ 1993 trở đi và thế hệ Y (sinh sau 2000) ngày càng không biết vừa biết thế nào là điên cuồng cùng K-pop, nghe Lady Gaga, chơi DotA, xem High School Musical – điều mà thế hệ từ 1990 trở về trước hầu như khó tiếp nhận được.


Thế hệ 1991 chúng tôi, một thế hệ đứng giữa những sự thay đổi. Sinh ra và lớn lên vào thời điểm ấy, những người sinh 1991 đủ để nhận thức được cái thời mà điện thoại bàn vài nhà mới có một máy, muốn nghe gọi phải nhờ nhà hàng xóm cho tới thời nay khi mà mỗi người 1-2 cái điện thoại di động trong người; 1991 lớn lên vừa đủ để thấy được máy vi tính để bàn từ chỗ là một gia tài mơ ước trở thành cái laptop mà hầu như đứa nào cũng phải có; 1991 cầm đồng tiền đủ để hiểu sự tăng giá của cuốn truyện Đôrêmon từ 5.500đ vào năm 1998 lên 19.500đ 15 năm sau. Cái thế hệ 1991 này, khi còn hoa niên viết nhật ký chuyền tay, tập tành đọc truyện dài Nguyễn Nhật Ánh nhưng vẫn đi thuê Nữ hoàng Ai Cập và sau đó chuyển dần sang đọc Rừng Nauy hoặc Oxford yêu thương. Họ có thể có trên kệ sách của mình bộ truyện Shin – Cậu bé bút chì kinh điển xếp lẫn lộn với tập thơ Nguyễn Phong Việt bên cạnh Eat, Pray, Love. Cái thế hệ 1991 này, đã từng dành dụm 2,3k để mua thẻ đánh bát trong những quán game thẻ bây giờ lại ung dung ngồi laptop vừa mở Mương 14 vừa đọc phân tích trên Tuần Việt Nam. Chúng tôi có thể ngồi hàng giờ để tám chuyện showbiz, nói xem Bịa Bơ (Justin Bieber) đẹp trai như thế nào nhưng cũng có thể ngồi hàng giờ bàn xem đồng chí X tốt xấu ra sao.

Chúng tôi, có thể xem Pavel là tấm gương nhưng cũng có thể xem Suju là thần tượng.


1991 chúng tôi đã từng biết một cái nắm tay to tát và ngại ngùng đến chừng nào khi còn học trung học nhưng bây giờ cũng đủ trải đời để biết chấp nhận chuyện quan hệ trước hôn nhân là bình thường. 1991 lớn lên trong cái giai đoạn khi xã hội Việt Nam bị mở tung, những giá trị xưa cũ chưa kịp ăn sâu đã tiếp nhận và xung đột với những giá trị mới, họ không thuộc về một thế giới 8x có phần ổn định hay một thế giới 9x quá năng động.

Họ đứng hai chân giữa hai thế giới này.


1991 có thể là một thế hệ đầy bất an, nhưng họ cũng dễ dàng cân bằng.

Chẳng hiểu tại sao, từ khi tôi đi học, môi trường của những tập thể người 1991 xung quanh tôi thường ổn định. Không có một sự quá cực đoan thiên về một hướng, không có quá nhiều xung đột với những thế hệ khác, dù họ đa dạng nhưng hòa hợp. Như ở IR chẳng hạn, dù tập thể 1991 từng cá nhân có quá nhiều sự khác biệt, nhưng tổng thể cái tập thể ấy lại là tập thể bình yên và hòa hợp nhất.

Tôi nhớ năm đầu tiên vào ĐH, cô chủ nhiệm bảo khóa này có cái gì đó trầm, không sôi nổi và cũng không quá xuất sắc. 1991 cứ bình bình như thế. 1991, có cảm giác không có bất kì cá nhân nào quá nổi trội, một thế hệ gần như lặng lẽ, nhưng mỗi con người lại có những xung đột rất lớn.

Cái thế hệ 1991 này, tình yêu cũng đầy xung đột, đôi lứa cũng đầy nhưng FA cũng nhiều. Những người 1991 xung quanh tôi và ngay cả chính tôi, tình yêu chẳng bao giờ có sự ổn định khi những quan niệm tình yêu cũ và mới liên tục mâu thuẫn. Những kẻ sinh 1991, cứ loay hoay mãi trong cái mớ suy nghĩ về hạnh phúc.

Và cái thế hệ 1991 này, đa số năm nay đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời, đang lo lắng và suy nghĩ rất nhiều về tương lai của mình, trăn trở về con đường mình sẽ đi, có lẽ là nhiều hơn hẳn những thế hệ trước. Một thế hệ mà theo tôi cảm nhận khi nói chuyện với rất nhiều bạn bè của mình là bất định và không chắc chắn về tương lai, thậm chí là cuộc sống.

Đó là cảm nhận của riêng tôi thôi, nhưng rõ ràng, thế hệ 91 (và cả 90 hay 92) là một thế hệ không bình thường, trưởng thành trong một giai đoạn mà những giá trị đều bị đảo lộn.

Nhưng tôi tin lời cô Hồng, vì cô nói rằng thế hệ trưởng thành trong giai đoạn xã hội đầy biến động như thế này càng về sau sẽ dễ dàng cân bằng được trong cuộc sống.

1991 có lẽ là một thế hệ đầy rắc rối, một thế hệ một phần nào đó mất phương hướng và không ổn định.
Sinh năm 1991 là phức tạp và đặc biệt, đúng không?

Một thế hệ đầy hoài nghi, nhưng cũng lắm mơ mộng.

4 nhận xét:

  1. Nhóc con này viết sắc sảo quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dzậy mà dám gọi tụi nó là nhóc con? Có chút ngỡ ngàng khi tụi nó bảo có thể xem Pavel là một tấm gương. Thế hệ tụi mình đã từng xem Pavel như là thần tượng và đến giờ nhận nhiều di chứng, hic!

      Xóa
  2. Cô nhỏ cũng có những học trò thế hệ 1991. Đọc bài viết thấy quả thật rất tâm đắc. Có những học trò khiến Cô nhỏ sững sờ ngưỡng mộ về tính cách đặc biệt của các em. Nhưng Cô nhỏ tin ở thế hệ ấy, thế hệ ấy nhất định sẽ không làm chúng ta thất vọng.

    Trả lờiXóa
  3. Mình mất cả ngày để tìm và hiểu về Suju, FA.Sự khác biệt giữa các thế hệ là điều tất yếu nhưng cũng không khỏi ngỡ ngàng. Chỉ mong tụi nó làm được điều tự tụi nó phát hiện ra :trưởng thành trong một giai đoạn mà mọi giá trị đều đảo lộn !

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này