Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

NGHIÊNG MÌNH !!!


Suy ngẫm nhân ngày quốc tang Đại tướng
Nguyễn Trọng Bình

“Một người mà sự ra đi sẽ buộc người Việt Nam phải suy ngẫm về quá khứ đổ vỡ của mình và hướng đến một tương lai chung”. Tác giả Jonathan London  trong bài viết Những ý nghĩa của việc tướng Giáp qua đời đăng trên blog cá nhân của ông đã kết luận như vậy về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cá nhân tôi thấy câu kết này hay và có ý nghĩa, tác động mạnh với tôi. Vì thế, tôi đã mạo muội... “suy ngẫm” ra 3 vấn đề nhân ngày quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới đây.
1. “Trái”, “phải” – đâu cũng là máu mủ Việt Nam, vậy mà...
Nếu ai đó bình tâm dạo 1 vòng các trang báo mạng cả "trái" lẫn "phải" suốt từ hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đến nay, bỏ qua một vài ý kiến có phần “cực đoan” không đáng chấp, có thể thấy phần lớn người dân Việt Nam khắp nơi trên thế giới đều dành những tình cảm đặc biệt pha lẫn niềm tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt có những trang mạng lâu nay bị xem là "lề trái" (như trang Bauxite, quechoa...), hay những tác giả viết bài cho các trang này bị quy là thành phần "chống đối" thậm chí "phản động" này nọ nhưng tình cảm của họ dành cho Đại tướng lại rất chân thành, xúc động, sâu sắc và có khi lại nhân văn hơn nhiều so với những trang, những tác giả ở báo "lề phải" nữa! Tại sao như vậy? Tôi tự đặt ra câu hỏi này cho riêng mình và tạm thời tự bằng lòng với lời giải đáp rằng: “Trái”, “phải” – đâu cũng là máu mủ Việt Nam ta cả. Vấn đề là lâu nay phải chăng chính cách nghĩ phải “luôn nâng cao tinh thần cảnh giác” trước những “âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch” từ “những người có trách nhiệm cao nhất” của đất nước không ít thì nhiều đã nhẫn tâm chối bỏ những tình cảm chân thành thiêng liêng; những cảm xúc thiết tha; những mong mỏi chính đáng của rất nhiều người Việt Nam (có thể quan điểm của những người này có sự “khác biệt” với quan điểm “chính thống” nhưng lúc nào họ cũng dành tất cả tâm huyết cũng như sự hi vọng trong tương lai đất nước và dân tộc Việt Nam sẽ ngày một tươi sáng hơn). Phải chăng chính sự “cảnh giác cao độ” này đã đưa đến một thái độ, một con mắt hoài nghi “nhìn đâu cũng thấy địch” từ đó vô tình đánh mất đi cơ hội hòa hợp, hòa giải dân tộc; đánh mất đi cơ hội “tập hợp hiền tài”, vô tình làm vơi dần “nguyên khí quốc gia” trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước suốt mấy mươi năm qua? Nếu đúng như thế thì “những người có trách nhiệm cao nhất” của đất nước có nên nhân sự việc này mà bình tâm và dũng cảm nhìn lại không? Những suy nghĩ và những phát ngôn ít nhiều mang tính “suy diễn”, “quy chụp” nhiều khi rất nặng nề đối với những nhân sĩ, trí thức có suy nghĩ “trái chiều”, “khác biệt” với mình phải chăng rất cần được suy xét lại, cần được nhìn nhận lại một cách nhân văn, nhân ái hơn? Thiết nghĩ, nếu thực lòng vì dân, vì nước; nếu muốn được nhân dân tôn kính và “phong Thánh” như trường hợp của Đại tướng hiện giờ, những lãnh đạo cao nhất của đất nước nên nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này.
2.  Thói háo danh hay là sự bất lương của những kẻ “té nước theo mưa”
Như cách nói thực tâm của một số người, sự ra đi của Đại tướng hóa ra lại là một “món quà vô giá” cho cả dân tộc trong lúc này nhất là đối với những lãnh đạo đang và sẽ nắm vận mệnh tương lai của đất nước. Vì đây là chính “cơ hội” để họ nhìn lại bản thân trong quá trình điều hành đất nước (rất xin lỗi vong linh và gia đình Đại tướng nếu phải nói sự ra đi của ông là “cơ hội” cho kẻ khác thì có gì đó cũng hơi bất nhẫn). Bởi lẽ, ai rồi cũng sẽ tới ngày trở về cát bụi giống như Đại tướng thôi. Vấn đề là khi ngày ấy xảy đến, liệu trong nhân dân có mấy người đến nhỏ cho vài giọt nước mắt tiễn đưa? Từ những lý do ấy, nên việc nhắc lại công lao, dành sự khen ngợi cho Đại tướng với ý nghĩa như là một bài học nhằm giáo dục ý thức cho lớp trẻ trong những ngày này là vô cùng chính đáng và cần thiết.
Tuy nhiên, tiếc thay, những ngày qua có vẻ như có quá nhiều những lời khen ngợi dành cho Đại tướng được tuôn ra theo kiểu “té nước theo mưa”, kiểu tâm lý đám đông và tâm lý bầy đàn... thật đáng xấu hỗ. Không khó để chúng ta phát hiện ra những bài viết kể lại “những kỷ niệm gặp gỡ”, kể lại cái“vinh dự được bắt tay” Đại tướng hay những “vần thơ... đưa đám” rất hời hợt, giả tạo, sống sượng, thậm chí xu nịnh nhưng cố làm ra vẻ chân thành của một số người... Ở góc nhìn văn hóa, đây là một trong những biểu hiện của thói háo danh của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam ta hiện nay đặc biệt là những người đã “nổi tiếng” rồi nhưng lại muốn “nổi tiếng” nữa (có vẻ như những người này sợ nếu tên tuổi họ một hai ngày mà không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thì công chúng sẽ quên họ chăng?). Không dừng lại ở đó, những kẻ tận dụng tối đa phương tiện truyền thông để khai thác những thông tin vụn vặt về đời tư và gia đình Đại tướng, hay những thông tin bên lề tang lễ ông để đổi lấy vài đồng nhuận bút thì thật lòng phải nói đây là hành vi của những kẻ bất lương chứ chẳng phải hành vi thể hiện sự tôn kính gì cả.
Tóm lại, mọi trường hợp “ăn theo” như thế này, từ góc nhìn văn hóa mà nói, đều không có giá trị trong việc hướng thiện con người; hoàn toàn không có lợi cho việc giáo dục người trẻ giúp họ định hình nhân cách về sau (nếu như những “người lớn” thực sự muốn như thế).
3. Nhìn cách ứng xử của người Pháp đối với Đại tướng và nhìn lại văn hóa ứng xử của dân tộc mình
Tối ngày 9/10/2013, bản tin thời sự lúc 19 giờ của đài truyền hình Việt Nam đưa tin có một bộ phận nhân dân Pháp (nhà báo, nhân sĩ, trí thức...) đã tổ chức lễ tưởng niệm Đại tướng ngay trên chính quê hương họ. Điều này làm cho bản thân anh phóng viên thường trú tại Pháp vô cùng bất ngờ để rồi thốt lên rằng “không hiểu sao lại có chuyện như thế”? Bởi chính người Pháp trước đây từng bị Đại tướng đánh một trận... te tua nhưng giờ đây chính họ chứ không ai khác không những không hận thù mà còn dành cho Đại tướng sự kính phục và trân trọng nhất.
Xem xong bản tin ngắn ngủi ấy lại một câu hỏi nữa tự đặt ra: ở góc độ ngoại giao, một quốc gia, một dân tộc từng có những mối “thâm thù” với mình nhưng giờ đây chính họ lại bày tỏ sự khâm phục và kính trọng dân tộc mình (thông qua con người Đại tướng) còn mình, mình đã nhìn và nghĩ về họ như thế nào, mình ứng xử với họ ra sao? Trên phương diện quan hệ quốc tế và danh dự quốc gia đây rõ ràng là vấn đề lớn cần phải nghiêm túc nhìn nhận.
Nghĩ đến đây bỗng nhớ lại mấy năm về trước - cái hồi phát hiện ra Nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm do hai người (một Việt, một Mỹ)  thuộc phía “bên kia chiến tuyến” gìn giữ suốt một thời gian dài và trao lại. Lúc ấy cũng rùm beng “niềm tự hào dân tộc” suốt 1 thời gian dài. Tuy vậy, không biết có “ai đó” tự hỏi rằng: “những người bên kia chiến tuyến” từng một thời “không đợi trời chung” đã gìn giữ cho “bên mình” 1 kỷ vật quý vậy “bên mình” có ai từng giữ và trao lại cho “bên họ” kỷ vật nào không? (nếu có sao không nghe ai nhắc gì). Hay là “những người bên kia chiến tuyến” vốn “vô cảm” và “tàn ác” lắm nên họ đâu có kỷ vật gì đáng để cho mình cất giữ giùm?
Một vấn đề nữa, công bằng mà nói nếu so với người “bạn láng giềng” Trung Quốc (1000 năm đô hộ trước đó, năm 1979 xua quân tấn công sau này) thì tội ác của người Pháp và sau này là người Mỹ (dĩ nhiên cũng cần nhấn mạnh chỉ một bộ phận người Pháp và người Mỹ thôi chứ không phải tất cả) đối với với dân ta chẳng thấm tháp gì. Vậy mà thời gian qua, không hiểu sao trong tư duy của “nhiều người” và qua sách vở (nhất là sách sử) lúc nào cũng tuyên truyền cho cháu con là phải “căm thù” và "nâng cao cảnh giác" đối với người Pháp, người Mỹ; trong khi đó với 1 kẻ mà lúc nào cũng nuôi ý định nuốt chửng ta thì lại là "láng giềng hữu nghị" là "anh em tốt"; sử sách nước nhà rất hiếm khi kể ra sự tàn bạo và dã man của họ? Nói điều này, thật lòng không phải nhằm gây chia rẽ với “người láng giềng” trong thời điểm hiện tại nhưng rõ ràng, cách tư duy này của “không ít người” là rất “không rõ ràng”, còn nhiều “lấn cấn”; nhất định phải “điều chỉnh” lại nhằm trả lại sự công bằng cho lịch sử, trả lại sự công bằng cho các thế hệ cha ông đã nằm xuống vì sự tàn bạo của “người hàng xóm” một thời. Đồng thời cũng là thể hiện một thái độ văn hóa, văn minh trong ứng xử của một dân tộc nếu muốn giao lưu, hợp tác với bạn bè thế giới.
Nghiêm túc mà nói, liên quan đến vấn đề này, không khó để ghi ra đây những lời răn dạy vốn là di sản văn hóa truyền thống của cha ông như: “Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng”; “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”; “thêm một người bạn còn hơn thêm một kẻ thù”, “chín bỏ làm mười”.... Đây rõ ràng là những bằng chứng sống động cho thấy văn hóa ứng xử của dân tộc Việt vốn không phải là tệ. Vấn đề là, có lẽ do trong hoàn cảnh đất nước có quá nhiều chuyện phải “quyết giữ” mà “nhiều người” lại không biết cân nhắc, không nhận ra cái gì là tài sản quý giá của dân tộc mình, của đất nước mình để mà giữ. Nên lẽ ra, cái nền tảng văn hóa – cái làm nên bộ mặt tinh thần của dân tộc phải cố mà gìn giữ và phát huy (như những lời răn dạy này của cha ông) thì họ lại... quên (hay cố tình quên) đi? Vậy nên, hi vọng là qua chuyện người Pháp tổ chức lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (vốn là đối thủ của họ trong cuộc chiến một mất một còn) lần này, mỗi người Việt Nam sẽ tự nhìn lại văn hóa ứng xử của bản thân hay rộng hơn là của dân tộc mình.
Trong ý nghĩa này, một lần nữa, có lẽ mỗi người Việt Nam lại phải nghiêng mình trước anh linh viên dũng tướng Võ Nguyên Giáp - một người vĩ đại đến cái chết cũng có ý nghĩa vĩ đại.
Cần Thơ, 10/10/2013 

   Nguồn : viet-studies.info

3 nhận xét:

Tìm kiếm Blog này