Trang

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Trách nhiệm.

    Xong tết. Một núi lời trách móc được gửi đến - hậu quả cái tính lười của mình được dịp ngóc đầu trong những ngày xuân Quý Tỵ.Hơn nữa mình thật sự chán cái cảnh đến nhà ai cũng chỉ ngần ấy lời thăm hỏi qua quít, dăm ba câu chúc khách sáo...còn lại toàn rượu bia, nên cứ nằm khểnh ở nhà. Anh em bạn bè hẳn phải cảm thông vì bản chất cái sự lười cũng chưa đến mức gây hậu quả nghiêm trọng để phải đem ra truy cứu. Nói vậy chứ bản thân mình cũng tự biết cái trách nhiệm văn hóa trong con người mình có cơ cùn đi. Dằn vặt tí rồi cũng có chuyện để biện minh :

   
Khi chiều, có ít công việc nên phải nhậu với một mớ người. Bàn nhậu đó duy nhất  chỉ mình không phải là người nhà nước. Sau vài ba tuần rượu đưa đẩy những lời cảm ơn, thò thụt những lời hứa hẹn …câu chuyện trên bàn tập trung với ý so sánh sự hơn thiệt giữa người nhà nước với những thảo dân mà mình là đại diện. May mắn làm sao trong những ý kiến có rượu dẫn đường đó, phần thua thiệt luôn thuộc về số đông. Nghĩa là mấy ảnh luôn cảm thấy khổ sở khi khẳng định với mình một định mệnh rằng người nhà nước thì ” thu nhập thấp mà trách nhiệm cao”.
Trong cái mù mờ về những khái niệm (ở đây là trách nhiệm)luôn hiện hữu xung quanh, lần đầu tiên mình thấy một cái cụ thể, mấy ảnh cực kì trách nhiệm khi giải quyết gọn gàng 5 chú tôm hùm cùng 1/2 chai Chivas 18 trên mỗi đầu người.
   Phải chờ đến giờ, khi cái đầu bớt váng vất vì rượu mới thấy điều làm mấy ảnh khổ tâm là chí lí. Lương ba cọc ba đồng lại phải bao đồng từ chuyện vĩ mô đến vi mô, cựa một chút là cấp trên gõ đầu, hở một chút là cấp dưới đâm lưng…chả bì với mình, siêng thì no, ho hen thì đói chả lo sất gì đến hai chữ trách nhiệm.
   Ngoài trách nhiệm nhẹ hều là… trả tiền cho bữa nhậu nói trên !!!

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

ANH HÙNG


   Tôi có một chậu mai. Tết rồi kiên quyết lập trường không ra hoa.           Nhớ câu " cây ngay không sợ chết đứng" dù thực tế gần như chết khô nên cũng khệ nệ bê ra chưng phòng khách. Dòm mãi thấy kỳ kỳ,  cài đại vài hoa giả   bằng nhựa. Tự nhiên thấy đẹp!
  Khách đến. Một ông là tiến sĩ văn hoá học nhìn cây, cười. Một ông là doanh nhân ( đang giàu sụ) ngắm cây, phán: " Mày xạo"
  Kể lại chuyện này cho người bạn mang tầm triết gia ( tra rồi giết), ổng phang: " Giả mà như thiệt là tận mĩ, thiệt mà như giả là tận thiện. Chuyện này có thể bổ sung vào giáo trình giáo dục công dân giảng dạy cho hệ vừa nằm vừa học ". Một người bạn nữa đang là giảng viên đại học thì lại rụt rè : " Xin để câu chuyện thật giả cho các nhà triết học, nhà xã hội học, nhà chính trị học ( nhưng không làm chính trị ).
  Chẳng biết có liên quan gì đến các bình loạn nói trên hay không nhưng có lẽ không chịu nổi kiếp lộng giả thành chơn nên cây mai dáng Hero của tôi chết ngắt, chết hẳn chứ chẳng khô đứng gì nữa. Chắc tức tưởi lắm nên đến cái chậu cũng tự vỡ làm tư như bốn khuôn mặt ngơ ngác nhìn trời.
  Anh hùng mạt lộ!!!

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Thơ ơi ta bảo thơ này...




Ở vương quốc Đầm Lầy, gần như ai cũng biết làm thơ. Nòng nọc làm thơ kiểu… cụt đuôi, nhái bén làm thơ kiểu… lúc xanh lúc vàng do màu da quy định, cóc cọt làm thơ kiểu… ọt ọt do tiếng kêu v.v.. Chính vì nhà nhà làm thơ, người người mần thơ với một lực lượng hùng hậu được trang bị “thơ tận răng” như thế, Đầm Lầy xứng đáng là cường quốc thơ chứ còn gì nữa?! Một số vị giáo sư cóc, tiến sĩ nhái, nhà phê bình ễnh ương ăn lương của vương quốc còn viện dẫn về truyền thống thơ ca qua mấy mùa mưa của Đầm Lầy trong các cuộc hội thảo thơ, hội nghị ca. Dù nước trong đầm lầy lúc đầy lúc cạn nhưng thơ ở vương quốc này chưa bao giờ vơi. Toàn là những lý do “chân chính đáng” để Đầm Lầy trở thành cường quốc thơ ca thế giới.




Tao Đàn cóc nhái ngày Xuân

TRẦN HOÀNG NHÂN

Như mọi năm, Xuân đến là vương quốc Đầm Lầy tổ chức lễ hội Tao Đàn ở khắp các tỉnh thành. Có một địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh đều có ngày thơ riêng, đỉnh cao là ngày thơ trong đêm trăng tròn tháng Giêng trên một đỉnh núi. Câu lạc bộ thơ các cấp đều hồ hởi phấn khởi trong tháng Giêng này. Một số nhà thơ chạy show đọc thơ mệt nghỉ trong suốt mấy ngày Xuân. Chất lượng thơ của lễ hội tao đàn Đầm Lầy chưa biết hay dở thế nào, nhưng chắc chắn là thơ “chuẩn không cần chỉnh”.
Ngày trước các cụ thơ rằng: “Con mèo con chuột có lông/ Cây tre có mắt nồi đồng có quai”. Ngày nay, một số thi sĩ trong Đầm Lầy có thơ tả cảnh quê hương, rằng: “Quê tui có một dòng sông/ Mùa hè nước cạn mùa đông nước đầy/ Cầm cần câu cá trên tay/ Cá bơi dưới nước chim bay trên trời”. Hoặc: “Chị tui lớn tuổi hơn tui/ Mẹ tui còn lớn hơn tui rất nhiều/ Ngoài đồng có một cánh diều/ Diều mà có gió thì diều nó bay”…

Năm nay (cũng như các năm nọ), Tao Đàn Đầm Lầy quyết định ngoài cờ xí trống chiêng còn có các phần trình diễn thơ, múa thơ, đánh quyền thơ và nhảy hip hop thơ… cho sinh động để khán giả bớt buồn ngủ. Các năm trước, có một thi sĩ lão gia còn quấn cả giấy vệ sinh quanh người mình trong khi thi hữu khác hú hét gào thơ kiểu nhạc rock.

Cư dân trong Đầm Lầy đa phần là nòng nọc cụt đuôi nên mọi sự diễn ra ở lễ hội Tao Đàn đều ngẩn tò te không biết gì. Chỉ biết rằng nằm nào cũng vậy, bộ phận truyền thông của lễ hội phát trên đài, trên báo rằng: Tao Đàn năm nay nhất định thành công tốt lành, rằng bạn bè thế giới tròn xoe mắt mà kính phục chúng ta, rằng thơ ca đã đu theo các chùm bóng bay lên trời khiến thượng đế cũng động lòng mà thương cho giống loài cóc nhái của Đầm Lầy nhà mình v.v…

Nhớ năm ngoái, một vị ếch gần già (chứ chưa lẩm cẩm) nằm trong ban tổ chức lễ hội Tao Đàn tuyên bố rằng: “Sẽ xây dựng Đầm Lầy thành một cường quốc thơ ca của thế giới”. Nghe tuyên bố này, rất nhiều cư dân nòng nọc bé nhỏ của Đầm Lầy sung sướng như mơ. Bởi các vương quốc khác họ trở thành cường quốc nhờ dân họ tiền nhiều, nhờ tên lửa hột nhơn, nhờ thủy quân hiện đại… Đầy Lây ta không có các phương tiện trên thì ta có thơ thể hiện tâm hồn mơ mộng và tinh thần yêu chuộng hòa bình. Nếu vương quốc nào trên trái đất này cũng chạy đua thành cường quốc thơ thì chiến tranh không thể nào xẩy ra, mà nếu có xẩy ra vì chạy đua… thơ thì chắc cũng chẳng có ai bị thương và ngày tận thế càng không có cơ hội.

Ở Đầm Lầy, gần như ai cũng biết làm thơ. Nòng nọc làm thơ kiểu… cụt đuôi, nhái bén làm thơ kiểu… lúc xanh lúc vàng do màu da quy định, cóc cọt làm thơ kiểu… ọt ọt do tiếng kêu v.v.. Chính vì nhà nhà làm thơ, người người mần thơ với một lực lượng hùng hậu được trang bị “thơ tận răng” như thế, Đầm Lầy xứng đáng là cường quốc thơ chứ còn gì nữa?! Một số vị giáo sư cóc, tiến sĩ nhái, nhà phê bình ễnh ương ăn lương của vương quốc còn viện dẫn về truyền thống thơ ca qua mấy mùa mưa của Đầm Lầy trong các cuộc hội thảo thơ, hội nghị ca. Dù nước trong đầm lầy lúc đầy lúc cạn nhưng thơ ở vương quốc này chưa bao giờ vơi. Toàn là những lý do “chân chính đáng” để Đầm Lầy trở thành cường quốc thơ ca thế giới.

Một số khác cũng cùng chung số phận giống loài nòng nọc cụt đuôi nhưng nhờ có đọc báoTuổi trẻ Cười, phản đối cái sự “ảo vọng, duy ý chí, phi thực tế” cường quốc thơ này. Họ phản đối vì mới trước Tết Quý Tỵ đây thôi, tầng lớp thợ thuyền là nồng cốt làm ra sản phẩm phục vụ chúng sinh của Đầm Lầy có nơi chỉ được thưởng Tết bằng cân bột ngọt, đường và tờ lịch treo tường có em gái mặt bikini… dòm cho đỡ tủi. Mới năm ngoái thôi, kẹt xe vẫn còn là vấn đề nan giải của lãnh đạo các thành phố lớn trong Đầm Lầy, là hình ảnh kỳ dị trong mắt người nước ngoài có văn minh và là nỗi khốn khổ cho hàng chục triệu dân đen nòng nọc thành thị. Còn môi trường sống thì ngày càng tệ, lương tiền mất giá trầm trọng, ô nhiễm từ cọng rong rừng đến nguồn nước mưa… Vậy thì trở thành cường quốc thơ để làm gì? Để ru ngủ sự đói nghèo lạc hậu à! Chưa kể, mấy ông bà thi sĩ ễnh ương kêu to nhất trong Đầm Lầy này xưa nay chỉ có giải “nô-đùa” chứ có cái giải “nô-ben” nào đâu mà dám ngẩng mặt với các vương quốc khác về tài thơ của mình mà đòi làm cường quốc?!

Cuộc tranh cãi ở vương quốc Đầm Lầy về lễ hội Tao Đàn giữa một ngày Xuân hiu hiu gió nắng đượm vàng, bị một lão người lắng nghe. Lão người này dựng chòi thơ sinh sống lâu năm trên Đầm Lầy. Ở tuổi hơn một đời người, lão đủ bình tĩnh để lắng nghe mọi thứ, thế mà lão vừa nghe vừa nổi giận. Lão nhủ thầm trong bụng: “Cái xứ cóc nhái Đầm Lầy chúng mày mà cũng đòi cường quốc Tao Đàn à. Ở xứ loài người bọn ta, đi đâu cũng thấy “thi phú” tức là… trạm “thu phí”. Công khai sẽ có trạm bán vé rồi thì ghi trên bảng điện tử: “Hiện kim đồng xin mời qua”. Bán công khai thì phải biết điều, không biết thì mệt mỏi đấy. Thi phú… rõ ràng là vậy mà loài người bọn ta còn chưa dám nhận cường quốc thơ ca, cóc nhái chúng mày thuộc cái giống ộp ộp mà cũng tranh cãi với nhau chí chóe, nghe nhức cả lỗ nhĩ”.

Lẽ ra lão người quăng một mẻ lưới quét sạch bọn cóc nhái hay mần thơ trong Đầm Lầy. Thế nhưng vì lão là người nên “hiểm độc” hơn, lão làm một bài thơ tên là “Tao Đàn cóc nhái” rồi thuê bọn người chuyên in lậu photo hàng vạn bản với giá rẻ hơn tảo độc ném xuống Đầm Lầy. Lão cười bí hiểm: “Phen này, vương quốc Đầm Lầy cóc nhái chúng mày sẽ bị ô nhiễm thơ của tao mà tuyệt chủng. Hơ hơ hi hi ha ha” - lão cười ngất ngây sung sướng tột cùng.
Bài thơ của lão người có gì mà đòi tiêu diệt cả một giống loài cóc nhái yêu thơ ca và chỉ mong muốn thơ ca làm bá chủ cơm áo, chiến tranh…? Bài thơ đó của lão người như thế này, được ghi lại từ một nhà thơ dân gian quá cố tên là Lê Trung Dị - vốn là cư dân nòng nọc cụt đuôi trong Đầm Lầy - sau cuộc tuyệt diệt của lão người, Lê Trung Dị thoát kiếp ễnh ương đầu thai thành giống người, chép lại rằng:
Kỳ quá không mưa cóc vẫn ra
Duyên đâu cóc nhái họp chung nhà
Cóc già chễm chệ ngồi chong mắt
Cóc trẻ lăng xăng đọc diễn ca
Cóc thị, cóc quê bò lếch thếch
Cóc sông, cóc núi đứng khề khà
Cùng nhau xướng họa nghe con cót
Cường quốc thơ mơ dữ vậy ta?


Nguồn: Thể Thao Văn Hóa số xuân Quý Tỵ 2013 .( Copy từ lethieunhon.com)

Tìm kiếm Blog này