Trang

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Hết rồi ư ?

NGUYÊN NGỌC: TRƯỜNG PHÁI MỚI PHẢI XUẤT HIỆN TỪ BÊN LỀ


Nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: ĐTH
Nhà văn Nguyên Ngọc – Ảnh: ĐTH
NTT: Nhà văn Nguyên Ngọc là nhà quản lý văn nghệ với tư tưởng cấp tiến và cũng giàu kinh nghiệm… “thất bại”, nên ông thường nhìn ra những “lỗ hổng chết người” mà giới văn nghệ và quản lý văn nghệ thường vướng víu. Với bài viết “Hy vọng gì…” ngắn gọn và súc tích từ câu chuyện “luận văn Nhã Thuyên” nghiên cứu về nhóm “Mở miệng” bị báo chí chính thống “ném đá” qui kết “quan điểm lập trường”, ông đã chỉ ra cái ”lỗ hổng chết người” đang có thể lặp lại với văn nghệ nước nhà. 
Có thể nói, sự ra đời nhóm “Mở miệng” xuất phát từ sự bức xúc văn học và xã hội, muốn cất lên một tiếng nói diễu nhại như một phản biện về dân chủ và tự do văn chương đương thời. Theo tôi hiểu thì đó là một sự “phá bĩnh dễ thương” của một nhóm người trẻ khiến người ta phải chú ý, khó chịu và sờ lại gáy mình. Họ muốn cảnh tỉnh văn chương và xã hội, kể cả sự dám vượt qua “húy kỵ”, đả phá cả những giá trị đã và đang tồn tại. Vì thế, tuyên ngôn của họ là “Chúng tôi không làm thơ”. Với lời tuyên ngôn đó, ta biết chủ đích của họ không phải là “làm thơ” mà muốn cảnh tỉnh văn chương và xã hội. Họ là một “nhóm bên lề”, chưa tạo ra được một trường phái văn chương, nhưng họ kêu gọi văn chương phải có những trường phái mới. 
Tôi tâm đắc với nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc: “Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề”. Nhưng đọc xong bài viết này, tôi cũng nghe từ ông một tiếng thở dài ngao ngán...
Xin giới thiệu cùng bạn bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc:

NGUYÊN NGỌC: HY VỌNG GÌ…

Mấy hôm nay dư luận xôn xao vụ luận văn thạc sĩ của chị Nhã Thuyên. Cái đất nước mình thật lạ: thỉnh thoảng, chẳng hiểu sao, lại lui về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Nhân vụ này, tôi chợt nhớ anh Trần Độ, theo tôi là một người lãnh đạo văn nghệ giỏi và hay đến hiếm hoi từng có được trong suốt quá trình đời sống văn học nghệ thuật của ta trước nay.
Tôi xin kể một chuyện:
Hồi ấy, đầu năm 1979, tôi được điều về làm việc ở Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh Độ bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương. Một hôm anh bảo tôi sang chỗ anh chơi, và hỏi về Hội Nhà văn tôi định làm những gì. Tôi nói với anh về ý định, về các kế hoạch trù tính của tôi, và kết luận: với những việc ấy, nếu làm giỏi thì trong mươi năm, dở hơn thì khoảng vài ba mươi năm, hy vọng sẽ nâng cao được mặt bằng chung lên một bước, và trên cơ sở ấy mong có thể xuất hiện một vài đỉnh cao mới …
Anh Độ ngồi im một lúc, rồi nói, châm rãi: Mình tán thành tất cả kế hoạch của cậu, đều đúng và cần thiết … Nhưng có điều mình nghĩ thế này cậu ạ, trong nghệ thuật thường vẫn vậy, muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới …, cậu nghĩ coi, có đúng không? …
Tôi quen anh Độ đã lâu, từ hồi anh còn làm Chính ủy Quân Khu Đồng bằng, biết anh là một người rất tốt, yêu văn nghệ và quý trọng văn nghệ sĩ …, nhưng cũng chắc đến thế thôi, anh có được học hành, đào tạo gì gọi là cơ bản và hệ thống về chuyện này đâu. Ý kiến của anh khiến tôi giật mình, kinh ngạc. Không ngờ anh tinh tế, sâu sắc, thậm chí cũng có thể nói uyên bác đến thế.
Chúng tôi thân nhau từ đấy, tâm huyết.
Cho đến nay tôi vẫn nghĩ chúng ta đã bỏ mất một người lãnh đạo văn nghệ giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất mà ta đã từng có thể có. Bao giờ mới tìm lại được một người như vậy?
Nhắc lại chyện này tôi không có ý nói rằng luận văn của Nhã Thuyên về một hiện tượng văn học bên lề đã là khẳng định một trường phái văn học mới, nhóm Mở miệng đã là một trường phái văn học mới như anh Độ từng mong. Nhưng chỉ mới một hiện tượng hơi lạ như vậy, bàn về một hiện tượng hơi lạ như vậy, mà đã hô hoán cháy nhà um cả lên, rồi ngang nhiên trừng trị, cách chức …, thì liệu còn hy vọng chút gì thoát ra khỏi ao tù nữa. Thế mà chính những kẻ la làng ấy lại luôn miệng đòi hỏi đỉnh cao, đỉnh cao …
Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề.
Nhân đây cũng xin được nói luôn: hiện đang có một cái gọi là hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương ban bố mọi thứ đúng sai về văn học nghệ thuật trên cả nước này. Mà đứng đầu cái hội đồng ấy thì theo dư luận là mấy người chẳng dính dáng gì và chẳng biết chút gì về văn học nghệ thuật cả. Trong cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyên Văn Linh với văn nghệ sĩ cách đây mấy mươi năm, anh Nguyễn Đăng Mạnh có nói một câu chấn động, anh bảo Đảng khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ. Có người cho là giận mà nói quá. Nay với cái hội đồng vừa kể có người đứng đầu như vừa nói, lại có quyền hành lớn nhất về văn học nghệ thuật trên đất nước đau khổ này, thì quả là một sự sĩ nhục to lớn đối với toàn bộ giới văn nghệ và lý luận văn nghệ
Đỉnh cao với đỉnh thấp, hy vọng gì nữa.
N.N.
 Nguồn : 

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Mail của con trai.

Hoang Gia
20:15 (12 giờ trước)
tới tôi

gửi ba!

Con vừa đọc được 1 bài viết khá hay của 1 người bạn! thấy giọng văn và lập luận rất tuyệt...con nghĩ ba cũng thích nó!

THẾ HỆ 1991..

Hồi tôi học cấp 3, tôi và thằng Khôi hay nói với nhau rằng “tụi mình sinh vào cái năm 1991 là cái năm toàn những chuyện gì đâu, bởi vậy cái thế hệ tụi mình mới ra như thế này…”
Thật vậy, cái năm 1991 ấy xảy ra bao sự kiện lớn:
  • Liên Xô sụp đổ, hệ thống XHCN tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc
  • Chiến tranh vùng Vịnh lên đến đỉnh điểm ác liệt và chấm dứt
  • Nước Đức hoàn toàn thống nhất
  • Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với nhau kể từ chiến tranh 1979
  • Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động người Myanmar thắng giải Nobel Hòa Bình
  • Hai miền Triều Tiên cùng trở thành thành viên LHQ
  • Liên bang Nam Tư tan rã
  • Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH
  • Việt Nam và Mỹ bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ khi Văn phòng MIA của Mỹ chính thức đi vào hoạt động tại Hà Nội. Đây là cơ quan chính thức đầu tiên của Chính phủ Mỹ hoạt động thường trú tại Việt Nam từ năm 1975

Có lẽ sinh ra trong một năm đầy biến động như vậy, thế hệ 1991 cũng đầy biến động không kém.

Những người sinh năm 1991 chúng tôi là thế hệ đầu của cải cách, đổi mới. Một thế hệ hiếm hoi được học hết cấp 1 bằng chương trình sách giáo khoa cũ chỉnh lí năm 1995 “giảm tải” dần (từ mà cô Nhàn chủ nhiệm lớp 5 dùng khi đó), sau đó từ cấp 2 học hoàn toàn bằng một bộ SGK mới nặng hơn và màu mè hơn. 1991 lúc nào cũng là những người đầu tiên được học sách mới, được các bác hói đầu mang ra thử nghiệm và hứng bao nhiêu lỗi từ cái chương trình mới này. Thế hệ của chúng tôi, một thế hệ chuột bạch của nền giáo dục Việt Nam, một thế hệ không bao giờ dùng lại được SGK cũ của các anh chị đi trước, một thế hệ đã từng biết chơi đùa rất thoải mái sau giờ học hồi nhỏ khi học thêm học bớt chưa đại trà và cắm đầu học thêm lúc lớn khi cả xã hội chạy đua.

Thế hệ sinh năm 1991 (và cả 1990 và 1992) là những người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh Việt Nam chập chững hội nhập và mở cửa với thế giới, chứng kiến Việt Nam tiếp nhận ồ ạt ảnh hưởng văn hóa nước ngoài trong khi loay hoay với truyền thống. Khó có một lứa thanh niên nào khác ngoài những người đầu thập niên 1990 có thể vừa nghe nhạc Trịnh hay nhạc Phạm Duy một cách mùi mẫn, vừa có thể chết dí theo những bài K-pop sôi động. Thế hệ 1991 này, lúc này vẫn có thể ngồi cày game online hay xem Starworld bình thường mà không quên cách chơi dích hình hay ngồi xem Những bông hoa nhỏ. Ở giữa một giai đoạn chuyển tiếp văn hóa, 1991 vừa biết thế nào là banh đũa, là bắn bi, là truyện Cô tiên xanh, là game 4 nút – điều mà thế hệ 1993 trở đi và thế hệ Y (sinh sau 2000) ngày càng không biết vừa biết thế nào là điên cuồng cùng K-pop, nghe Lady Gaga, chơi DotA, xem High School Musical – điều mà thế hệ từ 1990 trở về trước hầu như khó tiếp nhận được.


Thế hệ 1991 chúng tôi, một thế hệ đứng giữa những sự thay đổi. Sinh ra và lớn lên vào thời điểm ấy, những người sinh 1991 đủ để nhận thức được cái thời mà điện thoại bàn vài nhà mới có một máy, muốn nghe gọi phải nhờ nhà hàng xóm cho tới thời nay khi mà mỗi người 1-2 cái điện thoại di động trong người; 1991 lớn lên vừa đủ để thấy được máy vi tính để bàn từ chỗ là một gia tài mơ ước trở thành cái laptop mà hầu như đứa nào cũng phải có; 1991 cầm đồng tiền đủ để hiểu sự tăng giá của cuốn truyện Đôrêmon từ 5.500đ vào năm 1998 lên 19.500đ 15 năm sau. Cái thế hệ 1991 này, khi còn hoa niên viết nhật ký chuyền tay, tập tành đọc truyện dài Nguyễn Nhật Ánh nhưng vẫn đi thuê Nữ hoàng Ai Cập và sau đó chuyển dần sang đọc Rừng Nauy hoặc Oxford yêu thương. Họ có thể có trên kệ sách của mình bộ truyện Shin – Cậu bé bút chì kinh điển xếp lẫn lộn với tập thơ Nguyễn Phong Việt bên cạnh Eat, Pray, Love. Cái thế hệ 1991 này, đã từng dành dụm 2,3k để mua thẻ đánh bát trong những quán game thẻ bây giờ lại ung dung ngồi laptop vừa mở Mương 14 vừa đọc phân tích trên Tuần Việt Nam. Chúng tôi có thể ngồi hàng giờ để tám chuyện showbiz, nói xem Bịa Bơ (Justin Bieber) đẹp trai như thế nào nhưng cũng có thể ngồi hàng giờ bàn xem đồng chí X tốt xấu ra sao.

Chúng tôi, có thể xem Pavel là tấm gương nhưng cũng có thể xem Suju là thần tượng.


1991 chúng tôi đã từng biết một cái nắm tay to tát và ngại ngùng đến chừng nào khi còn học trung học nhưng bây giờ cũng đủ trải đời để biết chấp nhận chuyện quan hệ trước hôn nhân là bình thường. 1991 lớn lên trong cái giai đoạn khi xã hội Việt Nam bị mở tung, những giá trị xưa cũ chưa kịp ăn sâu đã tiếp nhận và xung đột với những giá trị mới, họ không thuộc về một thế giới 8x có phần ổn định hay một thế giới 9x quá năng động.

Họ đứng hai chân giữa hai thế giới này.


1991 có thể là một thế hệ đầy bất an, nhưng họ cũng dễ dàng cân bằng.

Chẳng hiểu tại sao, từ khi tôi đi học, môi trường của những tập thể người 1991 xung quanh tôi thường ổn định. Không có một sự quá cực đoan thiên về một hướng, không có quá nhiều xung đột với những thế hệ khác, dù họ đa dạng nhưng hòa hợp. Như ở IR chẳng hạn, dù tập thể 1991 từng cá nhân có quá nhiều sự khác biệt, nhưng tổng thể cái tập thể ấy lại là tập thể bình yên và hòa hợp nhất.

Tôi nhớ năm đầu tiên vào ĐH, cô chủ nhiệm bảo khóa này có cái gì đó trầm, không sôi nổi và cũng không quá xuất sắc. 1991 cứ bình bình như thế. 1991, có cảm giác không có bất kì cá nhân nào quá nổi trội, một thế hệ gần như lặng lẽ, nhưng mỗi con người lại có những xung đột rất lớn.

Cái thế hệ 1991 này, tình yêu cũng đầy xung đột, đôi lứa cũng đầy nhưng FA cũng nhiều. Những người 1991 xung quanh tôi và ngay cả chính tôi, tình yêu chẳng bao giờ có sự ổn định khi những quan niệm tình yêu cũ và mới liên tục mâu thuẫn. Những kẻ sinh 1991, cứ loay hoay mãi trong cái mớ suy nghĩ về hạnh phúc.

Và cái thế hệ 1991 này, đa số năm nay đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời, đang lo lắng và suy nghĩ rất nhiều về tương lai của mình, trăn trở về con đường mình sẽ đi, có lẽ là nhiều hơn hẳn những thế hệ trước. Một thế hệ mà theo tôi cảm nhận khi nói chuyện với rất nhiều bạn bè của mình là bất định và không chắc chắn về tương lai, thậm chí là cuộc sống.

Đó là cảm nhận của riêng tôi thôi, nhưng rõ ràng, thế hệ 91 (và cả 90 hay 92) là một thế hệ không bình thường, trưởng thành trong một giai đoạn mà những giá trị đều bị đảo lộn.

Nhưng tôi tin lời cô Hồng, vì cô nói rằng thế hệ trưởng thành trong giai đoạn xã hội đầy biến động như thế này càng về sau sẽ dễ dàng cân bằng được trong cuộc sống.

1991 có lẽ là một thế hệ đầy rắc rối, một thế hệ một phần nào đó mất phương hướng và không ổn định.
Sinh năm 1991 là phức tạp và đặc biệt, đúng không?

Một thế hệ đầy hoài nghi, nhưng cũng lắm mơ mộng.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Đả đảo...

Câu chuyện kỳ lạ người đàn ông mang tên Hùng

Văn Công Hùng

Tôi sẽ cố gắng dùng giọng báo, lối kể báo để kể câu chuyện này một cách tóm tắt, cương quyết không cho cảm xúc chen vào, bởi bản thân câu chuyện này, một cách trần trụi nhất, cũng cho chúng ta hiểu thêm nhiều về những vùng lõm mà chúng ta, có thể vô tình hay cố ý, không hiểu hoặc chưa hiểu...

Năm 1964, cháng thanh niên Nguyễn Quang Hùng, quê Nam Định, nhập ngũ. Lúc xảy ra câu chuyện này anh là tiểu đội trưởng trinh sát. Ấy là năm 1966 đang cùng tiểu đội trinh sát một cứ điểm ở huyện Phù Cát, Bình Định thì lọt vào ổ phục kích. Anh bị thương ở tay.

Sau mấy ngày lẩn trốn với cánh tay sưng vù thì anh bị bắt khi hoàn toàn không còn sức kháng cự. Khi bị bắt anh nói ngay anh là bộ đội Miền Bắc bởi cái giọng Bắc không lẫn vào đâu được. Đơn vị lính Mỹ bắt được anh dùng trực thăng đưa anh lên bệnh viện An Khê cữu chữa. Tại đây anh được một bác sĩ quân y Mỹ tên là Sam Axelrad trực tiếp cứu chữa và cưu mang. Cứu chữa là cưa tay của ông và phục hồi sức khỏe của ông. Cưu mang là giữ ông ở lại doanh trại đến hơn 2 tháng trời cho đến khi chỉ huy biết, kêu Sam ra hỏi: tôi nghe nói anh đang chứa chấp đối phương trong doanh trại. Vâng, đúng thế, thưa ông. Vậy anh có 24 tiếng để xử lý việc này. Trong vòng 24 tiếng, Sam đã dùng trực thăng chở anh Nguyễn Quang Hùng xuống Quy Nhơn, gửi ở một bệnh viện tư- thay vì nộp cho chính quyền-, và ông Hùng, với 1 cánh tay còn lại, trở thành một nhân viên y tế bất đắc dĩ, chỉ có cơm ăn không có lương. Năm 1969, ông quay lại An Khê, nơi mình đã được chữa lành vết thương, sống ở đấy và có vợ sinh con cho đến nay. Nên nhớ, năm 1969, An Khê vẫn của chính quyền Sài Gòn quản lý, và ông Hùng là chiến sĩ quân giải phóng Bắc Việt.

Ngày hôm kia thì một sự kiện nữa xảy ra, ấy là cái ông bác sĩ Sam ấy, một hôm ngồi lục cái thùng "ký ức chiến tranh" tổ bố của mình thì thấy... ảnh ông Hùng và cánh tay ông Hùng, tất nhiên là chỉ còn xương được ông bảo quản rất cẩn thận. Một ý nghĩ thôi thúc là phải trả lại cánh tay này cho người lính đối phương năm xưa. Và thế là ông nhờ một tờ báo VN làm cầu nối, và phép thần đã xảy ra- tìm được manh mối ông Hùng.

Sam bỏ tiền túi cùng 2 con và 2 cháu sang An Khê tìm ông Hùng, và cuộc trùng phùng ấy đã diễn ra trong sự ngạc nhiên và thích thú của rất nhiều người. Họ gặp nhau như 2 người bạn, như những tri kỉ, những ân nhân mang nợ nhau. Và vì thế mà nó đẫm chất nhân văn, thứ nhân văn của những người đã vượt qua cái chết, đã hiểu thế nào là sự đau đớn, là ngưỡng của sự sống, của những người ngộ ra nhiều điều...

Té ra chiến tranh, trong từng góc khuất của nó, có vô vàn những câu chuyện kỳ lạ, sự kỳ lạ mà chính người trong cuộc khi chứng kiến nó mà vẫn tưởng như mơ. Những người lính thứ thiệt, tận cùng họ, là sự lạc quan và nhân bản vô kể. Là tôi nói cả ông Sam và ông Hùng...

Vội quá, gõ tạm thế đã. X
in mấy tấm ảnh của nhà báo Trần Hiếu và Thái Bá Dũng nhé.

Ảnh này và ảnh dưới do ông Sam cung cấp, chú ý gương mặt và dáng đứng của cả 2 người, đặc biệt là ông Hùng, một tù binh Bắc Việt đang ở trong doanh trại đối phương. Sau này gia đình ông đã lập bàn thờ ông...


 Mình chọn  tiêu đề mới cho bài này vì quá ấn tượng trước một comment bên nhà bác VCH, chép lại nguyên văn :Nặc danh nói...
đả đảo bọn đế quốc mỹ sài lang hung ác, đã giam cầm khúc xương của chiến sỹ giải phóng việt nam suốt hơn 40 năm ròng

Tìm kiếm Blog này