Trang

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Nhưng không cấm copy.

 Cấm bình


 

Từ chị Beo ,


  tôn trọng đề nghị của tg, ko bình nhưng cóp để khai sáng giai cấp bần cố nông!!! 

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Mộc tồn.


 Ăn thịt chó - Một góc nhìn khác

  Tuấn Minh





Thế đấy, làm sao chúng ta có thể phủ nhận ăn thịt chó là một nét ẩm thực gắn liền với văn hóa Việt?
Fukuzawa Yukichi (1835-1901, tên phiên âm Hán Việt: Phúc Trạch Dụ Cát) là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu và rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Ông là một nhà cải cách chính trị xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà tư tưởng tiêu biểu của Nhật Bản từ cuối thời Edo, đầu thời kỳ Minh Trị - thời kỳ diễn ra những chuyển biến lớn lao trong lịch sử Nhật Bản.
Đối với người Việt Nam, hay với những người hay ăn thịt chó nói riêng, Fukuzawa Yukichi chắc chắn không thể nổi tiếng bằng nhiều nhân vật khác ở cùng xứ sở với ông, Maria Ozawa chẳng hạn. Song Ozawa hôm nay không có việc gì để làm ở đây, vấn đề mình sắp nêu ra liên quan nhiều đến Yukichi hơn, vì ông là tác giả của bài báo Thoát Á Luận, một trong những bài báo quan trọng mở đường cho thời kỳ Khai Sáng của Nhật. Bài báo có đoạn:
"[…] Đối với chúng ta, những người sống ở phương Đông, trừ khi chúng ta có quyết tâm vững chắc muốn chống lại xu thế văn minh phương Tây thì chúng ta mới có thể chống đỡ được, còn nếu không tốt nhất là chúng ta hãy cùng chia sẻ chung số mệnh với nền văn minh ấy.
Nếu chúng ta quan sát kĩ lưỡng tình hình thế giới hiện nay, chúng ta sẽ nhận thấy được rằng chúng ta không thể nào chống lại được sự tấn công dữ dội của nền văn minh ấy. Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau bơi nổi trên biển văn minh ấy, cùng nhau tạo ra một làn sóng văn minh ấy, cùng nhau nỗ lực xây dựng và hưởng lạc những thành quả của nền văn minh ấy? ..."
***
Nói chuyện Tây - Tàu nghe có vẻ to tát và xa vời quá, thôi mình quay lại với chủ đề mà chúng ta đang bàn luận vậy.
Thực ra chúng ta nên có thái độ như thế nào đối với việc ăn thịt chó?
Tuần vừa qua, dù rất bận rộn với công việc, nhưng mình cũng theo dõi khá sát phần thảo luận của các bạn đối với vấn đề này. Ý kiến thì nhiều, luận điểm cũng lắm, song tựu trung có thể phân ra làm 02 phe: phe ủng hộ [việc ăn thịt chó] và phe phản đối. Hai phe đều có cách tiếp cận vấn đề khác nhau để bảo vệ quan điểm của mình, phe ủng hộ thì tiếp cận trên khía cạnh văn hóa, còn phe phản đối tiếp cận theo góc độ đạo đức. Ở cả hai góc độ này, mình đều có phần nghiêng về phe ủng hộ nhiều hơn. Tại sao?
Về góc độ đạo đức, những luận điểm mà phe phản đối đưa ra đều mông lung và khó đứng vững.
Có bạn cho rằng ta không nên ăn thịt chó bởi chó là bạn của con người. Điều này chẳng lấy gì đảm bảo, vì có thể người này, hoặc dân tộc này coi chó là bạn; nhưng người khác, dân tộc khác lại không coi chó là bạn thì sao? Cũng giống như người theo đạo Bà La Môn không ăn thịt bò vì họ coi con bò là vật linh thiêng, nhưng họ không thể áp đặt quan niệm đó lên phần còn lại của thế giới được.
Có người cho rằng chó là loài vật thông minh, do đó ta không nên ăn thịt chó. Luận điểm này cũng dở nốt. Một số nghiên cứu khoa học gần đây cho biết lợn thực ra thông minh không thua gì chó, vậy bạn có định loại nốt thịt lợn ra khỏi danh sách thực phẩm hàng ngày của chúng ta không?
Có bạn còn trích dẫn Kinh điển Phật giáo, đó là "Chúng sanh bình đẳng", để chống lại việc ăn thịt chó. Đây là một kiểu ngụy biện thuộc dạng 'lợi dụng quyền lực', đó là kiểu ngụy biện không dùng lý lẽ mà sử dụng trích dẫn của các danh nhân, nhân vật nổi tiếng, và coi đó là chân lý. Mình xin thưa rằng, Phật Giáo cũng chỉ là một hệ tư tưởng như bao hệ tư tưởng khác. Phật giáo cấm ăn thịt chó (cứ tạm cho là thế), nhưng Công Giáo không cấm, và Việt Nam không phải ai cũng theo đạo Phật. Một điểm nữa cần lưu ý, nếu đã coi chúng sanh là bình đẳng thì chúng ta cũng không nên ăn thịt của bất cứ loài vật gì sao?
Có bạn nói rằng quy trình giết mổ chó thật dã man, thậm chí còn hăng hái đăng ảnh minh họa để kêu gọi tẩy chay thịt chó. Đây cũng là một kiểu ngụy biện khác, có tên 'lợi dụng lòng thương hại', đó là lợi dụng các thông tin dẫn chứng có tính chất khơi gợi lòng trắc ẩn để tranh thủ sự ủng hộ của đám đông mà không cần đến lý lẽ. Mình xin thưa rằng, khi tranh luận, phiền các bạn chỉ dùng cái đầu và nhét tạm con tim vào túi quần đi, vì nó luôn ngăn cản tư duy lý tính. Để phản đối lại những luận điểm loại này, phe ủng hộ chỉ cần chỉ ra việc giết mổ các con vật khác cũng dã man không kém, và thực sự là dã man không kém. Chẳng ai giết mổ gia súc gia cầm bằng những bản nhạc của Mozart hay truyện của Kafka cả.
Trên góc độ văn hóa, tình hình cũng không khá hơn là bao.
Phe ủng hộ đưa ra luận điểm: ăn thịt chó là một nét văn hóa dân tộc, ta không nên từ bỏ nó chỉ vì ý kiến của một vài ông Tây ba lô nào đó. Phe phản đối bác lại, thịt chó không phải là văn hóa! Nếu nó được coi là văn hóa thì đó chỉ là thứ văn hóa của một số ít người. Có bạn còn đòi định nghĩa lại khái niệm văn hóa (!?). Mình xin thưa rằng, cho dù việc ăn thịt chó không phải là một nét ẩm thực đại diện cho văn hóa Việt đi chăng nữa, thì cũng không thể phủ nhận rằng nó chiếm một vị trí không nhỏ trong tâm thức người Việt, hay nói cách khác, văn hóa Việt không hề bài xích nó.
Dân gian chẳng từ lâu đã truyền tụng câu nói:
Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết đi rồi biết có hay không.
Hay câu ca dao:
Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Ai đi ra chợ mua tôi đồng riềng.
Trong bút ký trứ danh 'Món ngon Hà Nội', Vũ Bằng đã mô tả một cách hết sức chi tiết về thú ăn thịt chó của người miền Bắc. Trong đó có đoạn:
"...Một chiều mưa phiêu phiêu ở chốn đồng ruộng căm căm gió rét, không đi chơi đâu được, mà trải một cái chiếu lên thềm gạch ngồi đưa cay vài chén tửu, trước mặt có một mâm thịt chó làm đủ các món: chả, tái, ca-ry, dựa mận, chạo, nem... riêng cứ trông thôi, ta cũng đã thấy lòng phiêu phiêu như mở hội rồi..."
Thế đấy, làm sao chúng ta có thể phủ nhận ăn thịt chó là một nét ẩm thực gắn liền với văn hóa Việt? Các bạn có thể không, hoặc chưa nghe những câu chuyện, câu ca dao trên, nhưng các bạn không thể bịt mắt bịt tai trước những quán thịt chó mọc lên đầy rẫy khắp Bắc - Trung - Nam được.
***
Vì vậy, nên chăng, chúng ta tìm một cách tiếp cận khác, thực tế và riết róng hơn, đối với việc ăn thịt chó?
Lại nói về Fukuzawa Yukichi, ông là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên đặt nền móng cho phong trào Duy Tân lần thứ nhất - Duy Tân Meiji. Đó là từ bỏ những quan niệm cũ kỹ, những nét văn hóa đã cổ hủ của người Á Đông, thay vào đó là sự học hỏi một cách nghiêm túc và cầu thị nền văn minh phương Tây, cụ thể là Anh, Pháp, Mỹ, Đức. Trong tinh thần đó, mọi lĩnh vực từ xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục, nghệ thuật... của Nhật Bản đều chịu những sự biến đổi đáng kể, và tất cả, đều dựa trên chuẩn mực của người phương Tây. Nói cách khác, người Nhật bắt chước theo người phương Tây, từ cách đi đứng, giao tiếp, ăn uống, và thưởng thức thẩm mỹ. Như vậy, với chủ trương Thoát Á, Sau hai cuộc Duy Tân (Meiji và Showa), Nhật Bản đã có những bước tiến thần kỳ và trở thành siêu cường thế giới về kinh tế cũng như văn hóa như chúng ta đã biết.
Trở lại với việc ăn thịt chó của người Việt, mình xin đề nghị chúng ta không nên tranh cãi trên góc độ văn hóa và đạo đức nữa, vì sẽ chẳng đi đến đâu cả. Ta cứ công nhận đi, rằng ăn thịt chó không hề vi phạm bất cứ một quy tắc đạo đức nào cả, và nó chắc chắn là một thành phần không thể thiếu trong văn hóa Việt.
Nhưng cho dù như vậy, ta vẫn phải từ bỏ nó, nếu muốn gia nhập sân chơi của các nước văn minh.
Ta phải từ bỏ nó, không vì một lý do nào cả, mà tại vì các nước văn minh không chấp nhận nó, thế thôi. Như Fukuzawa Yukichi đã viết: "...trừ phi chúng ta chắc chắn muốn chống lại, bằng không hãy cùng chia sẻ số mệnh với nền văn minh phương Tây".
Có bạn gì đó nói đúng: nhập gia tùy tục. Người nước ngoài khi đã đến Việt Nam thì phải tôn trọng những sản phẩm thuộc nền văn hóa Việt Nam, tương tự, người Việt muốn gia nhập sân chơi chung thì cũng phải tuân theo những nét văn hóa phổ quát. Cái quan trọng là, du khách nước ngoài có thể không đến Việt Nam, nhưng sẽ rất khó khăn cho Việt Nam nếu không chìa tay về phía thế giới phương Tây. Luận ngữ nói: "Bất đồng đạo nan tương vi mưu", chúng ta khó có thể cùng chia sẻ một tương lai chung với họ nếu chúng ta không chia sẻ với họ cùng cách nhìn nhận, văn hóa, quan niệm.
Đến đây có bạn sẽ nói: "chẳng lẽ bây giờ chúng ta phải từ bỏ một thói quen ẩm thực đã thành văn hóa của mình chỉ để được hòa nhập với nền văn minh phương Tây ư?" Đúng vậy đấy! Nhưng không phải bây giờ chúng ta mới làm như vậy, mà chúng ta đã làm từ rất lâu rồi, từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX kia. Chúng ta đã từ bỏ những thứ còn chắc chắn, còn thâm căn cố đế hơn nhiều, để không lỡ nhịp với đoàn tàu văn minh thế giới. Chúng ta đã phải từ bỏ chữ Nôm, chữ Hán, để học theo chữ Quốc ngữ với mẫu tự La Tinh; chúng ta đã từ bỏ lối học hành tầm chương trích cú để học theo lối tư duy biện chứng; chúng ta đã từ bỏ khăn đống áo the để đến với chemise và veston; chúng ta đã từ bỏ tóc dài và răng đen. v.v... Vậy, tại sao chúng ta lại không thể từ bỏ một thú vui ăn uống (mình nhấn mạnh, chỉ là thú vui) vốn không quá quan trọng, để đổi lại được sự tiến bộ, sự văn minh?
Để cho các bạn có được cái nhìn toàn cảnh 'làn gió văn minh' đang tràn qua phương Đông dữ dội như thế nào, mình xin đưa ra một vài ví dụ:
Trước thế vận hội Olympic 2008, quan chức Bắc Kinh yêu cầu loại thịt chó ra khỏi thực đơn của 112 nhà hàng được lựa chọn phục vụ thế vận hội nhằm tránh làm người nước ngoài tức giận khi đến đây.
Từ tháng 1/2007, ít nhất 10 nhóm hoạt động ở Trung Quốc cùng ký vào cam kết không ăn thịt chó, mèo. Cam kết này nhận được 42.000 chữ ký từ người dân, và được lan truyền khắp đất nước.
Ngày 26/10/2010, trước sức ép của những hiệp hội bảo vệ vật nuôi, Trung Quốc đã đưa ra dự thảo luật cấm ăn thịt chó mèo, theo đó những ai bị phát hiện ăn thịt chó mèo có thể bị phạt tù đến 15 ngày.
Từ năm 1950, Hong Kong ra pháp lệnh cấm giết chó mèo làm thực phẩm cho con người hoặc bất kỳ động vật nào. Tháng 12/2006, bốn người đàn ông địa phương phải ngồi tù 30 ngày vì giết thịt 2 con chó. Năm 1998, một người Hong Kong bị phạt tù 1 tháng và phạt 2.000 đô-la Hong Kong vì tội đuổi bắt chó trên phố để giết thịt.
Năm 2001, chính quyền Đài Loan ra lệnh cấm bán thịt chó vì áp lực từ các nhóm hoạt động vì quyền động vật và cũng muốn cải thiện hình ảnh trong mắt cộng đồng quốc tế. Năm 2007, chính quyền thông qua luật cho phép phạt người bán thịt chó hơn 7.700 USD.
Ngay tại Hàn Quốc, nơi thịt chó là một món ăn truyền thống, cũng đã có những cuộc biểu tình với quy mô lớn nhằm bảo vệ cho loại động vật này. Đơn cử, ngày 1/7/2010, lễ hội thịt chó của Hiệp hội nông dân nuôi chó cũng phải bị hoãn lại vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những tổ chức bảo vệ vật nuôi.
Các bạn thấy đấy, có một xu hướng tất yếu là chúng ta sẽ phải cùng chung quan điểm với phương Tây về việc nên hay không ăn thịt chó, vậy tại sao chúng ta lại phải chờ đến ngày đó? Chúng ta có thể bắt đầu ngay từ bây giờ, thay đổi cách nhìn nhận và hành động của mình. Nói theo Fukuzawa Yukichi, hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng và hưởng lạc từ những thành quả của nền văn minh ấy.
 Nguồn :Dân Luận.
                                                                                                         Xem thêm : Chuyện con chó                         

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Chiện ngày mai.



  
    Hồi xưa yêu một nàng. Từng nghĩ - nếu lỡ có chuyện gì - chắc chết.
    Ngày nay thỉnh thoảng gặp lại, thấy mình vẫn nhăn răng...sống !
    Hồi đó cũng từng nghĩ chắc "đời tôi cô đơn" suốt kiếp. Vậy mà bây giờ cũng dựng được một "túp lều tranh", cũng ầm ầm...sống !
    Ngày xưa đi học mong kiếm vài chữ nuôi sống tấm thân. Ngày nay chuyện kiếm cơm (của bản thân) chẳng cần gì đến hai chữ sở học. Cũng lặng lờ...sống !
    Ngày xưa có những cái trông rất xấu, cũng tưởng "không đội trời chung". Hiện tại có những cái khác - xấu hơn. Nhưng rồi cũng can tâm...sống !
    Xà quần trong chuyện xưa - nay, phát hiện tư duy của mình chuyển  màu bã đậu. Chay tịnh,trai giới đúng một tuần, dọn dẹp cho giấc ngủ ngon đón chào ngày mai tươi sáng.
    Nhưng khi mở mắt là đã đối diện với ngày hôm nay .
    Mới thấy cái mênh mông trong câu nói của thiền sư Nhất Hạnh : " Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hãy sống với hiện tại hôm nay "
    Không biết thoát ra đàng nào, thôi để...ngày mai nghĩ tiếp !!!

Tìm kiếm Blog này